Bóng đá tại SEA Games 24

Đi tìm một chút niềm vui

Nếu nói người Thái Lan vui mừng thật sự với chiếc HCV lần thứ 8 liên tiếp xem ra quá gượng ép. Như tờ Bangkok Post từng viết, bất kỳ kết quả nào khác đều có thể là thảm họa và vì vậy, với Thái Lan, chiếc HCV là một nghĩa vụ nhiều hơn là niềm vui...

Đi tìm một chút niềm vui ảnh 1

Thái Lan lần thứ 8 đăng quang ngôi vô địch bóng đá nam SEA Games.

Và Thái Lan sẽ nở nụ cười vì họ đã hoàn thành nghĩa vụ dễ dàng hơn họ nghĩ. Họ bước vào trận chung kết mà gần như đã nắm chắc chiếc huy chương trong tay khi đối thủ Myanmar chỉ là một “chú cừu non” trước họ, một đội bóng chặt chẽ, đồng đều và có những ngôi sao.

Chưa có chiến dịch SEA Games nào mà đường đi của đội Thái Lan lại trải đầy hoa như kỳ đại hội này,  đặc biệt khi đối thủ số 1 của họ là Việt Nam đã không thể tiến vào trận đấu cuối cùng. Chỉ duy nhất có Việt Nam là đội bóng khiến Thái Lan phải cẩn thận cử người sang Hà Nội để theo dõi, nhưng cũng chính Việt Nam đã giúp Thái Lan nhận ra rằng còn lâu, còn rất lâu nữa họ mới bị thay thế.

Thái Lan không quá tập trung vào SEA Games 24 khi giải T- League kết thúc muộn, chỉ trước SEA Games vài ngày. Nhưng với một đội bóng đã đạt được đẳng cấp vượt quá vùng trũng Đông Nam Á như Thái Lan, bấy nhiêu đó thời gian cũng không phải là thiếu. Quả là không thiếu thật.

Hai năm trước, người Thái có Thonglao, Pitchipong, Winothai... Tại SEA Games 24, họ lại trình diện Sangsanoi, Tatong và vẫn còn đó Winothai. Thái Lan không thiếu nhân tài. Thái Lan không có sự thay đổi đột biến nào về lối chơi. Họ đoạt HCV SEA Games đơn giản vì họ quá mạnh so với các đội bóng còn lại.

Vậy nên, cũng có thể kết luận rằng chính sự sa sút của hàng loạt nền bóng đá khác trong khu vực đã giúp người Thái có một chiến dịch dễ dàng. Việt Nam, đội bóng của chúng ta, như đã biết đến với SEA Games lần này bằng một cơ thể mang quá nhiều khiếm khuyết. Singapore trẻ trung hơn nhưng cũng non nớt hơn.

Singapore thắng Việt Nam 2 trận đấu trong cùng một kỳ đại hội không phải vì họ mạnh, mà vì bóng đá Việt Nam đang ở trong giai đoạn thoái trào. Đội bóng của ông Avramovic đặt trọng tâm vào vòng đấu loại World Cup 2010, bởi họ đang muốn đầu tư thêm cho đội tuyển quốc gia, chỉ đem đến SEA Games một đội bóng quá trẻ nên trận thua 0-3 trước Thái Lan ở bán kết chỉ là một bài học quý giá. Đấy không hẳn là một thất bại của Singapore.

Ngược lại, dù vào được chung kết SEA Games lần đầu tiên sau gần 20 năm nhưng chưa phải là bước nhảy vọt của Myanmar. Đội bóng này vẫn còn nằm ở dạng tiềm năng khi khoảng cách giữa họ và Thái Lan là quá lớn. Myanmar có mặt trong trận chung kết vì mặt bằng chung của làng cầu Đông Nam Á (ngoài Thái Lan) đang đi xuống. Trong cuộc chơi của các cầu thủ U-23, thì thành công tại SEA Games 24 chưa phải là điểm nối tiếp cho SEA Games 25.

Nói một cách công bằng, không thể dùng SEA Games để đánh giá thực lực của các nền bóng đá trong khu vực. Cuộc chơi tại SEA Games đơn thuần chỉ là một môn thi Olympic. Đấy không thể là mục tiêu, là hy vọng, và nền tảng.

Qua SEA Games 24, một số nền bóng đá như Thái Lan, Singapore hay Indonesia đã dần chấp nhận “quên” đi SEA Games để tập trung cho đội tuyển quốc gia. Sau những thành công tại Asian Cup, vòng loại World Cup, các quốc gia Đông Nam Á nhận thức rằng nếu biết cách định hướng, họ vẫn có cơ may tạo nên những bước nhảy vọt trên bình diện lớn hơn.

Thế nên, SEA Games 24 đi qua mà không để lại bất kỳ dấu ấn nào về chuyên môn, cũng chẳng có sự kiện nào tạo nên bất ngờ ngay cả việc đội bóng đã lọt vào 2 trận chung kết lần trước là Việt Nam đã không đi đến đích cuối cùng.

Ở Việt Nam, khao khát một lần bước tới đỉnh vinh quang đôi khi làm nhầm lẫn định hướng của cả nền bóng đá lẫn mục tiêu của sự kỳ vọng. Với cùng một đội tuyển, Việt Nam đặt ra khá nhiều mục tiêu và sự thất bại tại SEA Games là điều không tránh khỏi. Sự thất bại ấy chỉ nên nhìn riêng lẻ ở một kỳ đại hội để biết rằng, cái cần thay đổi nhiều nhất không phải là đội tuyển, không phải là BHL, mà là định hướng của những nhà quản lý.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục