Dì tôi

Dì tôi

Vợ chồng tôi vừa cưới xong đã được hai bên gia đình mua cho một căn hộ trong chung cư năm tầng. Khỏi phải nói hai đứa tôi đã mừng như thế nào, tuy phải ở tận tầng năm, nhưng như thế càng hay, vì chúng tôi leo cầu thang coi như tập thể dục, lại không bị ai “cưỡi đầu cưỡi cổ” ở phía trên! Nhưng chỉ vài tháng sau, khi tôi đã có bầu, hai vợ chồng mới dần dần ngày càng nhận ra mình khổ vì phải ở chung cư.

Minh họa KIM PHIẾN

Minh họa KIM PHIẾN

Hàng trăm con người sống chung dưới một mái nhà, nào tường ẩm, cống tắc, nước rò rỉ, điện mất, nhà hàng xóm mở đài oang oang, trẻ con đùa nghịch… Nhưng chúng tôi cố chịu chẳng dám kêu ca gì. Tôi chỉ cố làm sao để không bị hàng xóm lườm nguýt vì vô ý làm phiền họ. Thế nhưng, chỉ riêng với ông hàng xóm ngay dưới phòng tôi, tức là ông ở phòng 403, còn tôi ở tầng trên, 503, là tôi chưa biết phải làm sao để ông và chúng tôi không phải bực mình vì nhau!

Ngay hôm đầu tiên dọn đến, đang kê bàn kê tủ tôi đã nghe tiếng gõ cửa. Cứ tưởng anh công an hộ tịch hay bác tổ trưởng dân phố, tôi vội vã chạy ra thì thấy một ông trạc gần 50 tuổi, người gầy nhẳng, mặt khó đăm đăm. Tôi lễ phép:

- Mời bác vào ạ, cháu vừa dọn đến…

Nhưng tôi chưa nói hết câu, ông đã ngắt lời, nói thẳng thừng:
 
- Tôi không vào làm gì, nói để cháu biết, phải có ý chứ, ai lại cứ ầm ầm ầm ầm, tôi ở ngay dưới nhà này, nhức đầu quá, không làm sao mà chịu được!

Chồng tôi chạy ra, rối rít:

- Chúng cháu xin lỗi bác. Cháu vừa dọn đến, phải kê đồ đạc nên đúng là có hơi làm ồn, mong bác thông cảm bỏ qua cho…

Ông lắc đầu:

- Kê dọn thì phải nhấc chân bàn chân tủ lên chứ ai lại cứ kéo lê sền sệt rồi nhấc lên đặt xuống uỳnh uỳnh. Làm gì cũng phải nghĩ đến người khác chứ. Tôi nhắc nghiêm túc đấy!

Nói rồi ông quay lưng đi xuống. Hai chúng tôi le lưỡi nhìn nhau, thấy mình cũng có lỗi thật.

Mấy hôm sau, chúng tôi làm cơm mời ông bà nội ngoại và anh chị em hai bên đến thăm nhà mới. Cô em chồng giã tỏi, rồi băm thịt để làm nem, cả nhà chẳng ai để ý. Bỗng có tiếng gõ cửa và lại là ông tầng dưới xuất hiện, mặt nhăn nhó không chào hỏi ai, nói một mạch:

- Các cháu băm chặt cái gì thì phải lót vải xuống nền nhà chứ. Ai lại cứ gõ lóc cóc lóc cóc trên đầu tôi suốt từ sáng tới giờ, tôi sắp phát điên đây!

Nói xong, ông cũng bỏ đi ngay, không cho ai kịp nói lại câu gì. Cô em chồng tôi chỉ tay xuống cái thớt mà cô đã cẩn thận đặt trên một cái áo cũ, thanh minh:

- Em đã lót vải rồi đấy chứ, băm thịt thì làm sao mà êm như ru được!

Mẹ chồng tôi lắc đầu:

- Ở nhà tập thể, các con phải ý tứ hơn, đừng để hàng xóm phiền lòng.

Đến nay, vợ chồng tôi ở đây đã chừng hơn bốn tháng, cái bụng tôi đã hơi tròn tròn và ông tầng dưới cũng đã gõ cửa nhà chúng tôi đến hơn chục lần, mà nhất định không lần nào bước chân vào, chỉ đứng ngoài nhăn nhó vì chuyện chúng tôi lỡ làm đổ bịch khoai tây, đánh rơi rổ thìa dĩa xuống nền nhà hoặc chậu cây ngoài ban công bỗng nhiên rơi xuống vỡ tan…

Chúng tôi đã rất có ý, xong cũng khó tránh được sai sót nên vẫn thường nhắc nhau: “Cẩn thận không ông ấy lại lên cho một trận đấy”.

Hôm nay chủ nhật, dì Nga em út của mẹ tôi vừa ở Sài Gòn ra mang theo một bịch hoa quả miền Nam và một cân thịt thăn mới mua ngoài chợ cho hai vợ chồng tôi, tuyên bố xanh rờn:

- Để dì làm ruốc mày ăn cho lành, đang có bầu không ăn uống bậy bạ được đâu!

Tôi làm nũng:

- Dì ơi, dì mang về nhà làm rồi cho cháu ruốc cơ! Dì mà giã ở đây chắc cháu nghe chửi chết mất.

- Sao thế, ai dám chửi cháu? Dì Nga ngạc nhiên.

Tôi trình bày về ông hàng xóm ở đúng phòng tôi, tầng dưới. Dì nhăn trán:
 
- Thế hả? Cứ để lão đấy tao trị cho. Sống chung mỗi người phải biết nhân nhượng nhau một chút chứ!

Tôi can:

- Thôi mà dì, bán anh em xa mua láng giềng gần. Dì làm căng ông ấy thù chúng cháu, dì về Nam rồi để cháu chết à?

Dì cười rất tươi:

- Chết là chết thế nào, cứ mặc tao.

Nói rồi dì đi thái thịt, rang lên rồi mang cối chày ra rửa sạch, làm cô cháu gái là tôi lo lắng tái người.

 Trước khi giã ruốc, dì ung dung vào phòng tắm, tôi thấy có vẻ hơi lâu. Khi ra, hình như tắm xong dì có trang điểm lại, trông tinh tươm và xinh hơn hẳn lúc mới đến. Tôi chạy lại ôm vai dì:

- Bây giờ cháu mới hiểu câu: “Gái một con…” của các cụ. Trông dì cứ như chưa đến 30 ấy.

Dì Nga cười tít:

- Ba mươi nhăm rồi đấy con gái ạ.

Tôi cười:

- Dì chuẩn bị đấu khẩu với lão già khô như ngói ấy, trang điểm làm gì cho phí công, cháu nói thật đấy!

Dì củng nhẹ vào đầu tôi:

- À, mày chưa hiểu bọn đàn ông. Đứa nào không pêđê thì nhìn thấy đàn bà đường được một chút mà không thuộc dạng con cháu, là mắt la mày lét ngay. Tao phải ở “thế thượng phong” chứ.

Quả nhiên, dì vừa giã ruốc được chừng mươi nhát đã nghe tiếng gõ cửa. Ra hiệu cho tôi trốn vào phòng trong, dì sửa lại tóc, duyên dáng ra mở cửa. Tôi ngó qua khe cửa khép hờ, thấy ông hàng xóm sững lại, lần đầu tiên tôi thấy ông hơi mỉm cười, nhỏ nhẹ chứ không cáu kỉnh như mọi lần:

- Cháu nó có nhà không ạ?

Dì tôi xởi lởi:
 
- Dạ, mời anh vào nhà.

Nói rồi dì tôi quay vào, kéo ghế mời ông ta ngồi, tươi cười pha nước. Như có ma xui, ông ngoan ngoãn bước vào, ngồi xuống ghế và nhìn quanh, khen:

- Tôi ở ngay tầng dưới mà cũng chưa lần nào bước vào nhà. Hai đứa chưa có con nên nhà cửa gọn gàng, tranh ảnh đẹp quá chị nhỉ.
 
- Dạ, hai cháu mới cưới nên cũng còn vụng về lắm anh ạ. Tôi là em gái út của mẹ cháu Dung, hôm nay được cháu nó nhờ trông nhà, tôi tranh thủ làm cho cháu lọ ruốc, nó đang có bầu mà anh.

Lần này thì ông hàng xóm cười thật tươi:

- Có bà dì như chị thì nhất rồi, chu đáo chăm chỉ quá.

Dì tôi pha thêm một liều thuốc bổ bằng cách đổi luôn cách xưng hô:

- Chết, anh gọi chị làm em ngượng quá, em còn ít tuổi hơn anh nhiều mà.

Tôi đứng ở phòng trong, suýt phì cười. Kiểu này hai ông bà ngồi chưa biết đến bao giờ!
 
Dì tôi giọng tâm sự ngọt ngào:

- Cháu nó vẫn kể với em là nó có bác hàng xóm ở tầng dưới, trông rất trí thức và nghiêm túc, lại… đẹp trai nữa ạ, em nghĩ chắc đúng là anh rồi.

Ông hàng xóm của tôi bối rối mỉm cười:

- Chắc chị nhầm rồi, không phải tôi đâu…

Giọng ông nghe đã có vẻ ỡm ờ, và tôi hiểu là dì tôi cũng đã đến lúc kết thúc trò đùa của mình. Quả nhiên, dì cười rất tươi, cũng nhuốm vẻ ỡm ờ:

- Nghe cháu nói mãi về anh, em muốn gặp quá mà không biết phải làm sao. Cháu nó bảo, dì cứ mua thịt về làm ruốc cho cháu, là cách mời chắc chắn nhất, thế nào bác cũng lên ngay khi nghe tiếng giã cối của dì. Quả nhiên, anh đến thật. Lần sau, nếu muốn gặp anh, em cứ đến nhà cháu giã nho nhỏ như vừa rồi là được, phải không anh?

Ông hàng xóm của tôi mặt đỏ tưng bừng (dù da ông xanh tái), lặng lẽ đứng lên, quay người đi thẳng không thèm chào ai y như mọi lần.

Đó là lần đầu tiên ông bước vào nhà tôi và cũng là lần cuối cùng ông gõ cửa.

Cảm ơn dì.

PHAN THỊ THANH NHÀN

Tin cùng chuyên mục