Đi xe buýt: Vừa an toàn, vừa tiết kiệm

TPHCM: Vận động người dân đi xe buýt
Đi xe buýt: Vừa an toàn, vừa tiết kiệm

Theo Sở GTVT TPHCM, với số lượng phương tiện giao thông cá nhân hiện có (447.000 ô tô và 4,5 triệu mô tô các loại), nếu tính bình quân mỗi ngày một ô tô tiêu thụ 5 lít xăng, một xe gắn máy tiêu thụ 1 lít xăng, tổng chi phí cho nhiên liệu của lượng xe nói trên trong một ngày hơn 143 tỷ đồng. Nếu TP vận động thêm được một triệu người dân đang sử dụng xe gắn máy chuyển sang sử dụng xe buýt thì chẳng những TP có thể tiết kiệm hơn 21,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu mỗi ngày (1 lít/xe/ngày x 1 triệu xe x 21.300 đồng/lít), mà còn góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Đã sẵn sàng cho thêm 2 triệu lượt người đi/ngày

ThS Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải TPHCM, cho biết, TP hiện có khoảng 2.878 xe buýt hoạt động trên 147 luồng tuyến, đang chuyên chở gần 1,5 triệu lượt khách/ngày. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là năng lực hoạt động tối đa của hệ thống. Khi cần, xe buýt của TPHCM có thể vận chuyển thêm khoảng 2 triệu lượt khách/ngày. Do đó, trong trường hợp số hành khách đi xe buýt tăng gấp 2 lần hiện nay, số xe buýt hiện có vẫn đáp ứng được.

Giá xăng tăng nhiều người chuyển sang đi xe buýt. Ảnh: KIM NGÂN

Giá xăng tăng nhiều người chuyển sang đi xe buýt. Ảnh: KIM NGÂN

Cũng theo ThS Lê Trung Tính, mạng lưới, luồng tuyến xe buýt của TP đã được bố trí rộng khắp, từ ngoại thành về trung tâm đều có tuyến trực tiếp hoặc chỉ cần chuyển tuyến một hoặc tối đa 2 lần là có thể đi đến nơi cần đến. Loại hình tuyến rất đa dạng như: xe buýt có trợ giá, xe buýt không có trợ giá, xe buýt nhanh (chạy nhanh, dừng ít trạm và giá vé cao), xe buýt chuyên chở học sinh - sinh viên và công nhân, xe buýt chạy đêm (phục vụ các chợ đầu mối và khu vui chơi, giải trí).

Đa phần xe buýt đều có máy lạnh, chỉ trừ khoảng 450 xe nhỏ dưới 17 chỗ là không có. Thời gian phục vụ trong ngày gần 16 giờ (từ 4 giờ 30 đến 20 giờ 30). Thời gian giãn cách bình quân giữa các chuyến xe khoảng 3-5 phút/chuyến (vào giờ cao điểm) và khoảng 8-10 phút/chuyến (vào giờ thấp điểm) tùy theo từng luồng tuyến.

Giá cước chấp nhận được

TPHCM: Vận động người dân đi xe buýt

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, sở đang xây dựng dự thảo kế hoạch vận động người dân đi xe buýt để trình UBND TPHCM xem xét ban hành. Theo đó, đối tượng đầu tiên được vận động sẽ là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức, học sinh - sinh viên và công nhân.

Theo dự thảo, từ 1-5-2011, các đối tượng này sẽ sử dụng xe buýt hoặc phương tiện không có động cơ để đi lại ít nhất 1 ngày/tuần. Sau thí điểm, từ 1-9-2011 trở đi, chương trình sẽ được mở rộng đến tất cả tầng lớp nhân dân TP, với nội dung vận động cũng tương tự: sử dụng xe buýt và phương tiện không có động cơ để đi lại ít nhất 1 ngày/tuần.

S.L

Một trong những lợi thế nhất hiện nay của xe buýt là trong khi các phương tiện giao thông khác “quay quắt” với giá nhiên liệu tăng cao thì tại TPHCM, được sự trợ giá, giá vé xe buýt không bị lôi vào vòng xoáy ấy. Hiện nay giá vé xe buýt tại TPHCM khoảng 4.000- 5.000 đồng/vé/lượt (dưới 31 km giá vé 4.000 đồng, trên 31km giá vé 5.000 đồng).

Tuy nhiên, nếu mua vé năm, hành khách chỉ phải trả mức giá bằng 75% giá vé lẻ. Riêng với sinh viên, học sinh giá vé chỉ bằng 35% giá vé lẻ. Do đó, nếu với thu nhập bình quân 4.600.000 đồng/người/tháng (theo mức tính của Cục Thống kê TP), trung bình mỗi tháng người dân đi lại bằng xe buýt chỉ tốn khoảng 5% thu nhập.

So sánh chi phí sử dụng xe buýt với chi phí nhiên liệu khi sử dụng ô tô cá nhân mới thấy rõ lợi ích của việc đi xe buýt. Nếu tính bình quân một ô tô cá nhân chở 3 người, chi phí đi lại cho cự ly 20km mất khoảng 70.000 đồng/người (giá cước taxi thấp nhất hiện nay là 10.500 đồng/km). Trong khi đó, sử dụng xe buýt chỉ mất khoảng 4.000 - 8.000 đồng/người (nếu sử dụng vé tập, chỉ mất khoảng 3.000 - 6.000 đồng/người) với cùng cự ly (tức chỉ bằng 7 - 11% chi phí sử dụng ô tô cá nhân).

So sánh với xe gắn máy 2 bánh cũng ra kết quả tương tự. Chi phí đi xe buýt ước chỉ bằng 45,5% chi phí sử dụng xe gắn máy (cùng cự ly 20 km). Do đó, đi xe buýt sẽ tiết kiệm được khoảng 12.000 đồng/ngày và khoảng 360.000 đồng/tháng so với xe máy - đây là một số tiền khá lớn so với thu nhập bình quân của người dân TP. Đó là chưa nói đến một thực tế, đi xe buýt không tốn chi phí gửi xe và an toàn hơn.

Còn một yếu tố khác không thể không nói đến, tính ở góc độ hiệu quả, xe buýt chiếm dụng mặt đường ít hơn các loại phương tiện giao thông khác khá nhiều. Diện tích chiếm dụng mặt đường của xe buýt: 1,5 m²/người, chỉ bằng 2-3% so với ô tô cá nhân (47,4 - 78,5 m²/người) và 10% so với xe gắn máy (15 m²/người).

Như vậy, nếu người dân TP đồng lòng và có được thêm khoảng 1 triệu người trong 4,5 triệu người đang sử dụng xe gắn máy chuyển sang đi xe buýt (tức bằng 2 triệu lượt khách đi xe buýt/ngày), sẽ tiết kiệm được khoảng 15 km² diện tích mặt đường dành cho xe buýt lưu thông. Khi đó, TP chúng ta sẽ thông thoáng, rộng rãi hơn nhiều so với hiện nay.

AN NHIÊN - THU TUYẾT

Tin cùng chuyên mục