Dịch bệnh dồn dập gia tăng

Tại miền Bắc, thời tiết hiện đã vào mùa đông với nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân, đặc biệt là các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như cúm A, sởi, hô hấp, tiêu chảy, rubella, thủy đậu, ho gà. Trong khi thời tiết tại khu vực phía Nam lại khá nóng bức cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết (SXH) gia tăng.

Ùn ùn nhập viện vì hô hấp

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội, TPHCM đang gia tăng đáng kể bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội, vài tuần gần đây đã tiếp nhận khoảng 200 trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó chủ yếu là cúm A và virus hợp bào hô hấp RSV.

p1chu-de-5928.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi bị viêm phổi suy hô hấp

Tương tự, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 trẻ nhập viện điều trị, trong đó trên 80% mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đặc biệt, nhiều trường hợp không chỉ mắc cúm mà còn kèm viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy nên việc điều trị phức tạp hơn. Cùng với các bệnh về đường hô hấp, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như: sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu… cũng đang có chiều hướng gia tăng. Điển hình như dịch SXH tại Hà Nội dù đã qua giai đoạn cao điểm nhưng hàng tuần, thành phố vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mới.

Ông Đào Hữu Thân, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội, thông tin, tính đến nay Hà Nội đã có hơn 35.000 ca mắc SXH (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2022) và 4 ca đã tử vong. Đến nay, số ca mắc SXH đã có xu hướng giảm, nhưng không đồng nghĩa với việc dịch đã qua mà tình hình vẫn rất phức tạp, đòi hỏi người dân không thể chủ quan, lơ là các biện pháp phòng bệnh.

Tại TPHCM, từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 11-2023, tại 4 bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận 394.447 trẻ em đến khám hô hấp ngoại trú, trong đó trẻ em có địa chỉ tại TPHCM là 147.390 (chiếm hơn 37%), trẻ em có địa chỉ tại các tỉnh là 247.447 (chiếm 62,7%). Tháng 10 và 11-2023, các bệnh viện tiếp nhận số ca đến khám nhiều nhất. Tổng số ca nhập viện điều trị viêm hô hấp ở trẻ em là 44.471 ca, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022 (32.585 ca). Tổng số ca tử vong ở trẻ nhập viện điều trị viêm hô hấp là 166 ca (tỷ lệ 0,37%). Đa phần các ca tử vong là những bệnh nhi có kèm bệnh nền như dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bại não, hội chứng Down, bệnh phổi mạn tính, bệnh chuyển hóa, lupus đỏ hệ thống…

“10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có tỷ lệ chuyển tuyến cao nhất đến 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị viêm hô hấp trẻ em, gồm: Đồng Nai (8,8%), Bình Thuận (8,4%), Bình Dương (7,2%), Bình Phước (6,8%), Gia Lai (6,7%), Lâm Đồng (6,2%), Tây Ninh (5,7%), Đắk Lắk (5,3%), Bà Rịa - Vũng Tàu (4,6%) và Long An (4,2%)”, Sở Y tế TPHCM thông tin.

Không chủ quan với Covid-19

Ngày 15-12, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện tại trong hệ thống các bệnh viện của thành phố chưa ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 mới cần nhập viện điều trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng ở một số nước như hiện nay thì nguy cơ số ca mắc tại TPHCM gia tăng trở lại là khó tránh khỏi, nhất là vẫn còn một biến thể EG.5 chưa xuất hiện trên địa bàn thành phố, trong khi lại là biến thể phổ biến tại các nước.

Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát các biến thể Covid-19 lồng ghép trong giám sát tác nhân viêm hô hấp tính.

Theo một số chuyên gia dịch tễ, thời điểm hiện nay, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp gia tăng là vấn đề đáng lo ngại nhưng không phải là bất thường. Ngoài các yếu tố do thời tiết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây ra thì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên bị gián đoạn do thiếu vaccine nên nhiều trẻ em chưa được tiêm đầy đủ vaccine, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh rất cao khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Trước tình trạng này, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ) cho rằng, hiện đang trong giai đoạn vào mùa đông - xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm cuối năm nên nhu cầu giao thương, du lịch, các hoạt động đông người tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số ca mắc các bệnh truyền nhiễm.

Để phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như: đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) cho hay, từ tháng 9 tới nay có 150-300 bệnh nhi/ngày đến bệnh viện thăm khám các bệnh đường hô hấp, trong đó có 50-70 bệnh nhi/ngày phải nhập viện điều trị nội trú. Khoa Nhi của bệnh viện có 40 giường, hiện phải kê thêm 10-15 giường ngoài hành lang để tiếp nhận điều trị nội trú. Có 2-3% trẻ chuyển nặng cần phải hỗ trợ thở oxy. Dự báo bệnh vẫn còn tăng và kéo dài đến cuối năm do thời tiết giao mùa chuyển từ nắng sang mưa, nóng sang lạnh thất thường.

p4c-3839.jpg
BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) thăm khám cho bệnh nhi sáng 15-12. Ảnh: QUANG HUY

QUANG HUY

Tin cùng chuyên mục