Dịch chuyển “thị trường giáo dục”

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra dự báo chỉ ra sự dịch chuyển đáng kể của “thị trường giáo dục” quốc tế. Ước tính đến cuối thập niên này, 40% sinh viên tốt nghiệp (độ tuổi 25-34) là từ lò đào tạo của Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó 29% tốt nghiệp từ các đại học của Trung Quốc.

Trong 10 năm qua, sinh viên ở Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần. Đặc biệt, quốc gia Đông Nam Á Indonesia được dự báo sẽ giành vị trí thứ năm. Mỹ được dự đoán chỉ cho “ra lò” 11% lượng sinh viên mới, lần đầu tiên tụt xuống vị trí thứ ba, xếp sau hai quốc gia châu Á thuộc nhóm những nước có nền kinh tế mới nổi. Nếu tính tổng số sinh viên tốt nghiệp từ Mỹ và các quốc gia châu Âu cũng chỉ chiếm chưa đến 25%, tính đến năm 2020. Đối với Nga, nơi nổi tiếng là môi trường đào tạo bậc nhất các ngành thuộc công nghệ tự động, hạt nhân, vũ trụ thì từ năm 2000 đến nay, lượng sinh viên của nước này đã giảm 50%. Vì đâu cán cân tập trung sinh viên lại thay đổi đáng kể như vậy?

Theo OECD, sự thay đổi này không chỉ là hiện tượng cá biệt của hai quốc gia Ấn Độ và Trung Quốc mà đó là xu hướng của thời đại khi toàn cầu hóa khiến mỗi quốc gia đều có động lực thúc đẩy tham vọng phát triển kinh tế, vượt khỏi cái “mác” là những cỗ máy sản xuất hàng loạt để trở thành nơi tập trung chất xám. Họ nhắm vào phương án tạo ra những việc làm đòi hỏi kỹ năng cao, hứa hẹn mức lương hấp dẫn sau khi tốt nghiệp cho các sinh viên. Trước mắt là sinh viên trong nước để đáp ứng công việc chuyên môn cao của các tập đoàn quốc tế hoặc những doanh nghiệp uy tín của nước nhà. Kế đến là thu hút sinh viên nước ngoài vốn không còn “rủng rỉnh” tiền túi chi trả cho khoản học phí quá cao, nhất là đối với những đại học châu Âu đang áp dụng chính sách mới là tăng mạnh học phí. Nếu đưa ra những so sánh cụ thể sẽ thấy được sự thay đổi giữa các quốc gia. Sinh viên tốt nghiệp từ đại học Brazil được cho sẽ vượt qua Đức, Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua Tây Ban Nha, Indonesia vượt qua Pháp…

Thực tế, sự dịch chuyển này xuất phát từ nhu cầu giảm thiểu các khoản phí. Nghĩa là, về yếu tố địa lý có sự thay đổi. Với những chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đại trà, Trung Quốc, Ấn Độ có thể đảm nhiệm tốt. Nhưng đằng sau đó, theo Giáo sư Viktor Mayer-Schonberger thuộc Viện nghiên cứu Internet của Đại học Oxford, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hoặc các cố vấn đầu ngành đều là những nhân tố đến từ các quốc gia phát triển: Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Nghiên cứu của sinh viên các quốc gia mới nổi nếu muốn được công bố đều phải qua bộ lọc là những viện nghiên cứu của các nước phát triển với những quy chuẩn nghiêm ngặt. Theo ông Viktor Mayer-Schonberger, phần lớn kiến thức đăng tải trên các thư viện bách khoa trực tuyến, điển hình là cổng Wikipedia là do sinh viên ở Mỹ, châu Âu đăng tải. Những trao đổi chuyên ngành của sinh viên đến những quốc gia trên cũng áp đảo.

Lợi thế của các quốc gia mới nổi là thu hút được lượng lớn sinh viên. “Thị trường giáo dục” không chỉ cần số lượng. Vấn đề được đặt ra là ngoài tăng về lượng thì đến bao giờ các quốc gia mới nổi vượt qua các nước phát triển về tính tiên phong trong chất lượng? 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục