Đến đầu tháng 3-2014, dịch cúm gia cầm H5N1 đang lan ra ít nhất 22 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, tại ĐBSCL ghi nhận dịch cúm trên đàn gia cầm ở 8 tỉnh, thành. Vấn đề đặt ra hiện nay là ngăn chặn dịch cúm từ gia cầm lây lan sang người và điều tiết thị trường để bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi.
Nhánh virus mới xâm nhập
Theo nhận định của Cục Thú y, trong năm 2014, virus cúm H5N1 nhánh 1.1 đã được phát hiện tại ổ dịch trên gà tại Long An, Kiên Giang và Cà Mau. Hầu hết các ổ dịch trên gia cầm tại các tỉnh có dịch do virus H5N1 nhánh 2.3.2.1C.
Theo lý giải của Cục Thú y, nguyên nhân xảy ra dịch là do thời tiết lạnh cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là môi trường thuận lợi để virus H5N1 tồn tại và lây lan. Trong dịp Tết Nguyên đán, virus có điều kiện phát tán do nhu cầu sử dụng gia cầm của người dân. Trong khi đó, nhiều địa phương không triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 2-2013 và chưa tổ chức tiêm phòng đợt 1-2014. Công tác thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên môi trường chăn nuôi không được thực hiện thời gian qua tại nhiều địa phương.
Qua công tác giám sát thường xuyên của Cục Thú y cho thấy tỷ lệ lưu hành virus H5N1 trên đàn thủy cầm tại các chợ buôn bán gia cầm trong năm 2013 gần 6%. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nhánh virus 2.3.2.1C đã xâm nhập vào các tỉnh phía Nam và gây bệnh thay cho nhánh 1.1 lưu hành phổ biến tại các tỉnh phía Nam những năm trước đây.
Nguyên nhân có thể do quá trình vận chuyển gia cầm từ phía Bắc vào Nam, sau đó lây lan qua các đàn vịt chạy đồng trong vùng dẫn đến việc nhánh 2.3.2.1C xuất hiện và lưu hành rộng rãi tại vùng ĐBSCL.
Thiếu vaccine tiêm phòng?
Tại ĐBSCL, dù dịch đã lan ra 8 tỉnh, thành (chiến hơn 1/3 địa phương có dịch trong cả nước) nhưng mọi người vẫn lo lắng về sự lơ là của một số chính quyền địa phương và người dân. Hiện nay, các tỉnh trong vùng “phản vệ” theo cách ngăn vịt chạy đồng không rõ nguồn gốc xâm nhập vào địa bàn.
“Tuy nhiên, khó có thể kiểm soát nổi vịt chạy đồng”, nhiều cán bộ thú y ở ĐBSCL nhận định. Thực tế, do đặc thù sông ngòi chằng chịt, việc quản lý sự di chuyển của vịt chạy đồng là bất khả thi trong bối cảnh ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch lúa đông xuân.
Khác với gà, vịt mang bệnh khó có thể nhận ra qua những biểu hiện bên ngoài. Quản lý vịt chạy đồng là vấn đề đau đầu của các địa phương trong vùng hiện nay. Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đề xuất tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà. Năm 2013, ngân sách từ Bộ NN-PTNT mua vaccine cung cấp cho các địa phương tạm ngưng.
Bộ NN-PTNT chỉ lưu ý: “Ngân sách địa phương đảm bảo mua vaccine tiêm phòng dịch, người chăn nuôi chỉ trả công tiêm phòng”. Đây là điều mà một số địa phương, cụ thể là ngành thú y ở khu vực ĐBSCL lúng túng. Vì “trở tay không kịp”, lấy đâu ra nguồn kinh phí để mua vaccine tiêm phòng?
Hậu Giang là một trong những tỉnh tiên phong “trở bộ” nhanh, khi quyết định xuất ngân sách trong năm 2013 để ngành thú y mua vaccine tiêm phòng dịch cúm cho đàn gia cầm. Nhờ vậy, trong năm 2013, Hậu Giang chỉ phát hiện ổ dịch cúm gia cầm ở một hộ chăn nuôi nhỏ. Đến đầu tháng 3-2014, khi cơn bão dịch cúm gia cầm quét qua ít nhất 22 tỉnh, thành trong cả nước thì Hậu Giang chỉ mới phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm của một hộ chăn nuôi ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành.
Đến nay, Hậu Giang đã tiêm phòng gần 3 triệu liều vaccine cho đàn gia cầm (tổng số gia cầm của tỉnh khoảng 3,7 triệu con) và còn 7 triệu liều vaccine đang chuẩn bị để tiếp tục tiêm phòng. “Nhờ chủ động tiêm phòng vaccine phòng chống cúm gia cầm nên địa phương đã chủ động giảm được nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi.
Điều đáng nói hơn, đây là cách phòng vệ hiệu quả để ngăn ngừa bệnh cúm từ gia cầm lây lan sang người”, ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang, cho biết.
| |
CAO PHONG