Các luồng vốn đầu tư khổng lồ từ châu Á đổ về Italia gần đây đang được xem như một hiện tượng bất ngờ, bởi Italia từng là điểm đến bị các công ty châu Á sao nhãng do môi trường đầu tư yếu kém. Sau nhiều thập kỷ tham nhũng và can thiệp chính trị, kết quả là không còn những nhà máy chế tạo xe hơi và hàng điện tử tiêu dùng khổng lồ của Nhật Bản và Hàn Quốc ở nước này trong những năm 1980 và 1990.
Tuy nhiên, những sự kiện hợp tác đình đám thu hút sự chú ý của công chúng trong thời gian gần đây chứng tỏ sự cởi mở mới của Italia đối với các tập đoàn đa quốc gia. Cuối năm 2013, tập đoàn Mitsui của Nhật Bản đã đầu tư vào Tempa Rossa của Basilicata, một mỏ dầu trên đất liền lớn nhất Tây Âu. Năm 2014, tổng công ty lưới điện lớn nhất của Trung Quốc (State Grid Corporation of China - SGCC) đã mua lại 35% cổ phần của Công ty cổ phần hệ thống năng lượng CDP Reti và tập đoàn cơ sở hạ tầng khí đốt Snam... Tháng 2-2014, tập đoàn công nghiệp Hitachi của Nhật Bản đã mua lại toàn bộ tài sản của tập đoàn đường sắt Finmeccanica với giá 809 triệu EUR. Một tháng sau, ChemChina - công ty hóa chất lớn nhất Trung Quốc - đã mua lại cổ phần đủ để nắm quyền kiểm soát công ty lốp xe đa quốc gia Pirelli, trở thành một trong những phi vụ mua lại công ty nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Cách đây vài tuần, cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã có cuộc thương lượng với một nhóm những nhà đầu tư Trung Quốc và Thái Lan nhằm “sang” lại quyền kiểm soát AC Milan...
EastAsiaForum số ra ngày 16-5 cho biết, Italia xếp hàng thứ hai trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất châu Âu, sau Anh. Trung Quốc hiện chiếm 27% đầu tư vào Italia trong năm 2014. Tính theo các giá trị giao dịch, năm 2014, Nhật Bản đã trở thành nhà thâu tóm nước ngoài lớn thứ 5 ở Italia...
Một mặt, Italia đang phục hồi chậm chạp sau khi chìm sâu trong cuộc khủng hoảng ở châu Âu, nhiều tập đoàn hàng đầu đang rất đói vốn. Mặt khác, các công ty Italia có vẻ như là một sự kết hợp hoàn hảo cho các nhà đầu tư châu Á đang tìm kiếm công nghệ, tiếp cận thị trường và các thương hiệu nổi tiếng tầm quốc tế như AC Milan, Pirelli... Lãnh đạo Hitachi từng tuyên bố, việc thâu tóm hãng đường sắt Ansaldo STS và công ty tín hiệu đường sắt AnsaldoBreda là để người Nhật đặt chân vào châu Âu và thương vụ này trở thành một cú hích để Hitachi bắt kịp các tập đoàn nổi tiếng khác của Đức, Pháp… cũng như nâng cao vị thế của Hitachi tại thị trường châu Âu, từ đó tạo điều kiện để mở rộng sang các nền kinh tế đang nổi.
Từ 2 năm trở lại đây, một loạt doanh nghiệp hàng đầu của Italia như Ferretti - tập đoàn đóng tàu du lịch, công ty giày dép hạng sang Ferragamo, rượu vang Chianti… lần lượt rơi vào tay giới chủ Trung Quốc. Nếu như các doanh nghiệp Trung Quốc coi Italia là một trong các quốc gia châu Âu có nhiều khả năng nhất trong việc giúp Trung Quốc chuyển từ vị trí “phân xưởng của thế giới” trở thành nơi sản xuất các ý tưởng mới “made in Italia” thì mục tiêu của các doanh nghiệp châu Á khác cũng là tìm kiếm các công nghệ mới, các nhãn mác danh tiếng và các liên minh chiến lược với doanh nghiệp Italia. Mục tiêu cuối cùng của các tập đoàn đa quốc gia châu Á khi mua lại các công ty Italia là đưa lên vị thế toàn cầu, chứ không phải chiếm quyền sở hữu. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chìa khóa cho các tập đoàn đa quốc gia châu Á sẽ là khả năng để cho phép các công ty này hoạt động khá độc lập, thay vì nỗ lực hợp nhất các công ty vốn đã rất khác biệt một cách nhanh chóng.
HẠNH CHI