Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Ngày 6-10, Bộ Y tế cho biết, qua báo cáo của các địa phương cho thấy, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong tăng khá cao. Số người mắc SXH hàng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chăm sóc bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chăm sóc bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng

Cần phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, hiện số ca bệnh SXH ở TPHCM đang có chiều hướng gia tăng do đang vào mùa cao điểm, bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì SXH. Dự báo trong những tuần sắp tới, số ca bệnh SXH hàng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa. 

“Tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn - trung gian truyền bệnh SXH phát triển. Nếu không có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch SXH. Nếu toàn thể cộng đồng không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng thì nguy cơ xảy ra các ổ dịch SXH tại thành phố là rất lớn. Bên cạnh việc phòng bệnh thì việc phát hiện sớm bệnh và chăm sóc theo dõi bệnh nhân SXH đúng cách cũng rất quan trọng”, bác sĩ Lê Hồng Nga thông tin. 

Theo thống kê tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 10-15 trẻ mắc SXH nhập viện, có 1 trẻ tử vong do mắc SXH nặng. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5-6 ca mắc, nhiều ca nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mắc Covid-19 và SXH cùng lúc. 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 5 trẻ vừa mắc Covid-19, vừa bị SXH. “Phụ huynh khi thấy con em mình sốt trên 2 ngày, nhất là nằm một chỗ không chơi, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu cam, máu răng cần đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Tiến khuyến cáo. 

Bác sĩ Lê Hồng Nga cho biết, SXH khác với các bệnh truyền nhiễm khác, đó là diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5-7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Do đó, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có chiến lược theo dõi và điều trị cho phù hợp. Chúng ta không vì Covid-19 mà e ngại tới cơ sở y tế khám bệnh, vì hiện nay các cơ sở y tế đã tổ chức khám sàng lọc và tổ chức các quy trình tách biệt bệnh nhân khám thông thường và bệnh nhân có triệu chứng hô hấp. “Khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt, cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc có bất cứ bất thường nào, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời”, bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM: “Chúng ta cần theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng, chứ không chờ cho đến khi bệnh nhân có dấu hiệu rất nặng rồi mới nhập viện”.

Có chiều hướng tăng mạnh

Tại TP Cần Thơ, trong 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận tổng số 741 ca mắc SXH (tăng 54 ca so với cùng kỳ năm 2020). Theo bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, Phó Trưởng khoa SXH (Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ), qua ghi nhận tình hình khám, điều trị trong 9 tháng đầu năm 2021 tại bệnh viện cho thấy, SXH có chiều hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tập trung chủ yếu ở nhóm từ 8-15 tuổi, các ca bệnh nặng cũng xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi này. Ngoài việc đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 thì Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ vẫn đảm bảo việc tiếp nhận, điều trị các trường hợp bị SXH, nhờ đó chưa ghi nhận ca tử vong nào. Còn tại Sóc Trăng, ghi nhận đến cuối tháng 9, có 255 ca mắc SXH (giảm 122 ca so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có 12 ca bệnh nặng và 1 ca tử vong…

Tại Đồng Nai, số ca mắc SXH trên địa bàn từ đầu năm đến nay tăng 51,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, số ca trẻ em dưới 15 tuổi là 3.437 ca. Số ổ dịch SXH được phát hiện tăng 105% so với cùng kỳ. 

Tỉnh Bình Dương ghi nhận ca mắc SXH tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến nay toàn tỉnh phát hiện gần 300 ổ dịch với 848 ca SXH. Tuy số ca SXH giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số ca tử vong tăng 2 ca.

Tỉnh Bình Phước ghi nhận ca mắc SXH từ đầu năm đến nay tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 6 người tử vong và hiện số ca mắc đang có chiều hướng tăng mạnh. Dịch SXH tập trung ở các huyện biên giới, nơi có nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập. 

Riêng tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 9, đã ghi nhận hơn 720 ca mắc SXH. Số người mắc có xu hướng tăng từ cuối tháng 8 đến tháng 9 với khoảng 60-70 ca/tuần, trong khi tháng 6-7 chỉ ghi nhận 30-40 ca/tuần. Khoảng cuối tháng 9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 4-5 bệnh nhân SXH mỗi ngày (những tháng trước có rất ít ca bệnh SXH nhập viện). 

Để chủ động công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh SXH, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài; xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH.

Thống kê chung từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc SXH, trong đó có 18 trường hợp tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng của bệnh SXH cần hết sức lưu ý, vì có một số biểu hiện ban đầu giống với mắc Covid-19.

Triệu chứng của SXH là mệt mỏi, sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn..., nặng hơn có thể xuất huyết: chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới, có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu.

Tin cùng chuyên mục