
Vừa qua, tại Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, Hưng Yên, 3 dự án lớn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) gồm: Nhà máy Dệt Kim thuộc Vinatex, Nhà máy Chỉ khâu Hà Nội thuộc Tổng Công ty Phong Phú và Trung tâm xử lý nước thải, đã chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là sự nỗ lực của Vinatex trong thời gian qua, khi đẩy mạnh tiến độ xây dựng Khu Công nghiệp Phố Nối B, Hưng Yên.

Qui hoạch chi tiết KCN dệt may Phố Nối B, Hưng Yên.
Cách Hà Nội 28 km, cảng Hải Phòng 73km, cảng Cái Lân 90km và cách sân bay Nội Bài 40km; phía Bắc nằm trên quốc lộ 5A, phía Tây quốc lộ 39 cũ, phía Nam cạnh đường tỉnh lộ và Khu công nghiệp Thăng Long II. Khu công nghiệp (KCN) dệt may Phố Nối B, Hưng Yên sẽ là điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực dệt may hiện nay.
Được đầu tư xây dựng từ năm 2001, KCN Phố Nối B là một trong những công trình trọng điểm của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Tại đây, đất đai trong khu vực bằng phẳng, ít dân cư, địa chất công trình tốt, có nguồn nước ngầm dồi dào, nguồn điện quốc gia đi qua và nhất là nguồn lao động phổ thông phong phú, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư. Vinatex đã đầu tư hoàn chỉnh đồng bộ cơ sở hạ tầng, gồm hệ thống cáp điện cao thế phục vụ cho sản xuất, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, đường giao thông nội bộ phục vụ cho đầu tư các nhà máy mới và các dự án di dời. Chính những lợi thế trên sẽ giúp cho các doanh nghiệp thuận tiện khi đầu tư vào KCN.
Khu công nghiệp có quy mô hơn 100ha, được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là 25 ha đã được hoàn tất. Trong đó có các công trình như nhà máy nước của KCN 5.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước thải công suất 10.000 m3/ngày đêm theo tiêu chuẩn châu Âu, điện áp 7.000 KVA và hệ thống liên lạc với 300 lines điện thoại. Năm 2003, giai đoạn 1 đã được đưa vào hoạt động. Đến nay, đã có nhiều dự án của 9 đơn vị trong và ngoài ngành, đầu tư xây dựng như đã khách thành đi vào hoạt động là Trung tâm xử lý nước thải, Nhà máy nhuộm Yên Mỹ, Nhà máy Dệt kim, Nhà máy Chỉ khâu, dự án di dời Công ty Dệt 8-3, Công ty TNHH May thêu Khải Hoàn, Công ty Hansung Haram Việt Nam, dự án tái chế chai Pet phế thải thành xơ PE và Công ty Contrecxim.
Năm 2007, Vinatex sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng, phấn đấu quý 3-2007 sẽ hoàn tất giai đoạn 2 của dự án KCN gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật như Công ty Điện lực sẽ cung cấp nguồn điện 60.000 KVA, nâng hệ thống cấp nước sạch khoảng 20.000 m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải khu vực giai đoạn 2 công suất 15.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, các hệ thống thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường, dịch vụ y tế, dịch vụ ăn ca… sẽ được đầu tư đồng bộ, nhằm giao mặt bằng cho các chủ đầu tư nhất là các đơn vị nằm trong diện phải di dời, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư của mình có thể đưa vào hoạt động nhanh nhất và có hiệu quả.
Nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào KCN, Vinatex đã có nhiều chính ưu đãi cho các nhà đầu tư khi đưa các dự án của mình vào KCN như các dự án đầu tư tại KCN ở giai đoạn 1. Đó là vẫn được miễn tiền thuê đất của tỉnh đến hết tháng 7-2007, tiền thuê đất được thanh toán một lần khi ký hợp đồng thuê đất (nếu nhà đầu tư gặp khó khăn có thể thỏa thuận thanh toán trong vòng từ 1-2 năm, lãi suất 1%/tháng trên số dư nợ phải trả còn lại); các doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 15% trong 12 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động, miễn thuế 3 năm, giảm 50% cho 7 năm tiếp theo kể từ ngày thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp sử dụng từ 100 lao động là người Hưng Yên trở lên sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 100.000 đồng/người.
PHƯỚC NGỌC