Cẩn trọng du lịch biển mùa hè

Thời điểm này, tại nhiều tỉnh thành ven biển như Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, lượng khách du lịch cả nước đang đổ dồn về nghỉ dưỡng nhân dịp hè 2025. Tuy nhiên, vừa qua, nhiều địa phương ghi nhận không ít vụ đuối nước khi tắm biển của du khách nên việc nhận diện nguyên nhân và triển khai những biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết.

Nhiều vụ đuối nước thương tâm

Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Lâm Đồng liên tiếp ghi nhận nhiều vụ đuối nước thương tâm. Vào tháng 2, trong nhóm du khách tắm biển tại khu vực bãi biển phường Phan Thiết, có 2 người bị đuối nước. Người dân phát hiện cứu vớt được một người, còn thanh niên 25 tuổi (ngụ TP Đà Nẵng) tử vong. Đến giữa tháng 2, một nhóm học sinh lớp 12 ở tỉnh Đồng Nai đang tắm biển ở phường Mũi Né thì bị sóng biển cuốn xa. Dù lực lượng cứu hộ đã nỗ lực, nhưng 1 nam sinh không qua khỏi. Mới đây, ngày 29-5, nhóm 8 học sinh ngoài tỉnh rủ nhau đến bãi biển xã Hòa Thắng dã ngoại. Trong lúc tắm biển gặp dòng nước xoáy, 1 học sinh 17 tuổi tử vong.

IMG_7430.jpeg
Lực lượng cứu hộ tăng cường ứng trực tại bãi tắm ở TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tỉnh Khánh Hòa cũng liên tiếp ghi nhận nhiều vụ đuối nước khi tắm biển. Đầu tháng 3, có 2 nam sinh 16 tuổi và 18 tuổi ở xã Ninh Hòa đến bãi biển để tắm, nhưng bị sóng cuốn trôi và được tìm thấy thi thể sau nhiều ngày tìm kiếm. Chiều 4-6, một người phụ nữ 78 tuổi bị đuối nước tại khu vực biển phường Nha Trang. Rất may, bà được phát hiện, cứu giúp kịp thời.

TP Đà Nẵng cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị đuối nước khi tắm biển trong thời gian qua. Tháng 5-2025, tại khu vực bãi biển Nam Ô, 2 học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Quang Khải gặp nạn. Người dân phát hiện một em bị sóng đẩy vào bờ trong tình trạng đã tử vong, thi thể em còn lại được tìm thấy sau đó. Cũng vào thời điểm này năm ngoái, một nhóm 9 thanh thiếu niên 9-15 tuổi tắm tại biển TP Đà Nẵng có cắm bảng cảnh báo nguy hiểm. Sau đó gặp sóng lớn cuốn trôi cả nhóm ra xa bờ. Dù lực lượng cứu hộ kịp thời ứng cứu, nhưng 3 em đã không qua khỏi.

Trang bị kỹ năng và chấp hành cảnh báo

Theo Sở VH-TT-DL các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và TP Đà Nẵng, nguyên nhân trực tiếp xảy ra các vụ đuối nước là do nhiều du khách, người dân không tuân thủ những quy định an toàn khi tắm biển. Bên cạnh đó, một số bãi biển chưa được trang bị đầy đủ hệ thống cứu hộ chuyên nghiệp. Việc thiếu vắng nhân viên cứu hộ hoặc biển báo cảnh báo nguy hiểm khiến du khách dễ rơi vào tình huống nguy hiểm khi không được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, theo anh Lê Hoàng Ân, nhân viên Đội cứu hộ Ban Quản lý vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), các biển bãi ngang thường có những dòng rip (giữa hai bên con sóng có nhiều bọt màu trắng) rình rập. Theo đó, sóng đánh vào bờ rồi cuộn về biển thay vì trải đều như những vùng biển khác, lúc này sẽ có dòng rip cuộn về với tốc độ rất mạnh.

"Ở dòng rip, nước thường không có hoặc ít sóng. Người tắm biển nhìn qua tưởng là không nguy hiểm, song lỡ bị nó cuốn vào, nguy cơ cao sẽ bị sóng đưa ra xa bờ và mất tích", anh Lê Hoàng Ân lưu ý.

Theo anh Lê Hữu Huy, thành viên Đội cứu hộ, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, vùng có dòng chảy rip thường lặng sóng, khiến nhiều người lầm tưởng an toàn. Các dòng này thường rút mạnh từ bờ ra ngoài, nên kéo người ra xa rất nhanh. Đội cứu hộ đã cắm bảng cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm, nhưng điều quan trọng nhất là người tắm biển phải quan sát kỹ và không bơi vào những vùng nước có dấu hiệu bất thường. Một số nhân viên cứu hộ lưu ý, khi không may gặp dòng rip, người dân, du khách không nên hoảng loạn, mà thả lỏng người để nước cuốn tự nhiên và bơi ra xa, không cố hết sức bơi ngược lại vì rất dễ đuối sức, mất tích. Khi thấy nước ngừng chảy, nếu còn sức, người gặp nạn hãy bơi vuông góc với dòng rip, tìm nơi có sóng để bơi vào bờ sẽ thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, khuyến cáo, người dân và du khách chỉ nên tắm trong khu vực có giăng phao, có lực lượng cứu hộ ứng trực; không xuống biển khi sóng lớn, cơ thể mệt mỏi và tuyệt đối tránh xa những vùng biển lặng, không có sóng bạc đầu vì đó thường là nơi xuất hiện dòng chảy xa bờ - nguyên nhân gây nhiều vụ đuối nước đáng tiếc.

Theo chia sẻ của ông Phạm Quang Hậu, Giám đốc Điều hành Sonata resort (tỉnh Lâm Đồng), các bãi biển đều được cắm các cờ màu đã được quy ước để đảm bảo an toàn cho du khách. Trong đó, cờ màu xanh là vùng biển an toàn; còn màu cờ đỏ, đen là khu vực cảnh báo nguy hiểm, du khách không được tắm biển. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ thường túc trực, rà soát dọc bãi biển, đánh dấu các vị trí nguy hiểm để cảnh báo người dân không tắm khu vực này.

Một số dịch vụ thể thao mạo hiểm mất an toàn

Thời gian gần đây, mô hình thể thao mạo hiểm mới lạ trên không là dù lượn đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố ven biển như Lâm Đồng, Đà Nẵng..., bước đầu tạo ấn tượng mạnh, thu hút được đông đảo du khách tham gia. Tuy nhiên, trước nhiều sự cố gây tử vong từng xảy ra, dịch vụ này đang khiến cộng đồng lo ngại về nguy cơ mất an toàn...

Sau một số sự cố đáng tiếc tại bán đảo Sơn Trà, ông Nguyễn Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, thông tin, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng phương án kết hợp giữa hướng dẫn - cảnh báo - kiểm soát. Địa hình Sơn Trà đèo dốc, quanh co, thường có sương mù, rất dễ xảy ra tai nạn nếu không có kinh nghiệm. Sở đã cho lắp biển cảnh báo ở các điểm nguy hiểm và sẽ tiếp tục rà soát để đưa ra phương án cụ thể. Mục tiêu là vừa giữ được trải nghiệm cho du khách, vừa đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Trọng Thao cũng khuyến cáo, du khách tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham quan như địa hình, thời tiết, phương tiện phù hợp...

Tỉnh Lâm Đồng vừa qua xuất hiện dịch vụ xe địa hình "hết đát" chở du khách khám phá đồi cát tại thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vừa qua đã có trường hợp một nữ du khách tử vong do xe địa hình trôi xuống hồ nước. Chính quyền địa phương đã kiểm tra và phát hiện hầu hết các xe địa hình đều được cải hoán, không có giấy tờ..., nên đã yêu cầu dừng dịch vụ này, chờ hướng dẫn cụ thể.

Tin cùng chuyên mục