Theo Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2014 đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng khoảng 22% so cùng kỳ năm ngoái. So với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, thì thủy sản đem về giá trị ấn tượng nhất trong tình hình chung vẫn còn khó khăn. Có thể thấy, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh trong thời gian qua là nhờ vào sự bứt phá của mặt hàng tôm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm hiện nay chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu về thủy sản, tỷ lệ này tăng khoảng 9% so cùng kỳ năm 2013.
Thời gian qua, nhu cầu đặt hàng tôm tại thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh. Giá tôm trung bình nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ rất khả quan. Cùng với Hoa Kỳ, thị trường EU cũng nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng hơn 96%, Trung Quốc tăng 32%, Nhật Bản tăng 5,2%, Hàn Quốc tăng 99%... so cùng kỳ năm trước. Con tôm đã thật sự trở thành niềm hy vọng lớn của xuất khẩu thủy sản nước ta.
Cá tra cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên từ đầu năm tới nay việc xuất khẩu cá tra sang châu Âu, Hoa Kỳ… gặp những trở ngại, trong đó có các rào cản kỹ thuật dựng lên gây khó dễ cho cá tra Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp chủ động đưa sản phẩm cá tra phi lê sang các nước ASEAN, Trung Đông, Đông Âu… tiêu thụ. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề ra mục tiêu giúp doanh nghiệp và các địa phương tăng tốc xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng cuối năm 2014, phấn đấu mang về kim ngạch 7 tỷ USD; trong đó mặt hàng tôm nỗ lực đạt 3,5 tỷ USD. Riêng cá tra nếu thuận lợi vào những tháng còn lại thì hy vọng cả năm sẽ cán đích khoảng 1,8 tỷ USD.
Thật ra, mục tiêu xuất khẩu thủy sản 7 tỷ USD trong năm 2014 không phải là con số quá lớn. Tuy nhiên để đạt được là không hề đơn giản bởi tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm đặt ra nhiều thách thức. Theo đó, Hoa Kỳ vừa đột ngột tăng thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường này, đã khiến tình hình không còn thuận lợi như 9 tháng đầu năm. Lo lắng nhất hiện nay là Cà Mau, địa phương xuất khẩu tôm đứng đầu cả nước và Hoa Kỳ là thị trường chủ lực của tỉnh này. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Cà Mau bị tăng thuế ở mức 6,37%, đây là mức khá cao khiến hiệu quả xuất khẩu bị giảm mạnh.
Theo tính toán của UBND tỉnh Cà Mau, năm 2012, xuất khẩu tôm của tỉnh này vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 193 triệu USD; năm 2013 trên 231 triệu USD; riêng 8 tháng đầu năm 2014 khoảng 163 triệu USD. Như vậy, với mức thuế bình quân của các doanh nghiệp phải chịu, thì ngành tôm Cà Mau bị thiệt hại khoảng 12,3 triệu USD, một con số không nhỏ.
Điều đáng lo ngại là sau khi Hoa Kỳ tăng thuế đã tác động tới giá tôm nguyên liệu ở khu vực ĐBSCL giảm mạnh từ 10.000 - 20.000 đồng/kg (tùy loại). Và hàng loạt hộ nuôi tôm sẽ là người thiệt hại đầu tiên. VASEP và các cơ quan chuyên môn đã yêu cầu phía Hoa Kỳ xem xét lại việc tăng thuế trên là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại 2 nước.
Đối với mặt hàng cá tra tình hình xuất khẩu từ đầu năm tới nay luôn phập phù. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thời điểm cuối năm sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp cá tra bứt phá tăng tốc về đích. Điểm sáng hiện nay là đơn đặt hàng từ các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ… bắt đầu tăng lên nhằm phục vụ dịp lễ Noel và Tết Dương lịch. Nếu như vài tháng trước giá xuất khẩu cá tra phi lê sang thị trường châu Á khoảng 2,3 USD/kg thì nay tăng lên được 2,5 USD/kg… Giá xuất khẩu tăng đã kéo giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL lên mức 23.500 đồng/kg, tăng từ 1.500 - 2.500 đồng/kg so thời điểm quý 2-2014.
Theo tính toán của Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL với giá cá hiện tại thì những nông dân nuôi hiệu quả có thể đạt lợi nhuận từ 500 - 1.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí. Nếu giá này ổn định và tăng thêm thì tình hình khôi phục nghề nuôi cá tra sẽ khởi sắc trở lại trong những tháng cuối năm.
Cái khó lúc này đối với doanh nghiệp lẫn người nuôi cá tra là tình trạng thiếu vốn vây chặt. Bởi sau thời gian dài nghề cá rơi vào cảnh “ảm đạm”, người nuôi thua lỗ liên tục, doanh nghiệp hoạt động ì ạch đã khiến các ngân hàng “ngán ngại” đầu tư cho cá tra. Giải quyết vấn đề này, vào tháng 4-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 540/QĐ-TTg về chính sách tái cơ cấu và gia hạn nợ thêm 3 năm đối với người nuôi tôm, cá tra gặp khó khăn; đồng thời yêu cầu các ngân hàng xem xét cho vay mới để nông dân có điều kiện tái sản xuất trở lại. Người nuôi cá ở ĐBSCL rất kỳ vọng vào chính sách này, nhưng thực tế thời gian qua việc triển khai rất chậm chạp và nhiều hộ vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn.
Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cho rằng, cá tra đang có dấu hiệu phục hồi và các địa phương cũng có kế hoạch siết chặt quản lý, lập lại trật tự nghề nuôi cá tra. Bộ NN-PTNT cũng có đề án tái cơ cấu ngành cá tra theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu… Do đó, hơn lúc nào hết các ngân hàng cần xem xét hỗ trợ vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi được đầu tư nuôi cá tra trở lại, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Ngành cá tra đang cần “làm mới” để lấy lại vị thế, xứng tầm với một sản phẩm đặc thù, thế mạnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế.
HUỲNH LỢI