Nhận định về kinh tế Việt Nam, giới chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam đang trở thành một “thỏi nam châm” trong khu vực về thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng.
Trong năm 2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Chuyên gia Frederic Neumann, đồng đứng đầu nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc HSBC Holdings Plc ở Hồng Công (Trung Quốc), đánh giá: “Việt Nam là một điểm sáng hiện nay. Các công ty nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế nguồn lao động cạnh tranh cao và chi phí thấp. Với triển vọng tươi sáng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế xuất sắc ở châu Á”.
Theo Financial Tribune, Việt Nam đã công bố số liệu về tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 ước tính đạt 6,2%. Tuy mức tăng trưởng chưa có sự bứt phá nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá cao và ổn định, đây cũng là một thành công trong quản lý điều hành của Chính phủ Việt Nam. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống và những khó khăn do thiên tai gây ra. Một phân tích được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trước đó cho biết nhu cầu nội địa mạnh và sản xuất theo hướng xuất khẩu đã tiếp tục tạo ra triển vọng tươi sáng trên cho kinh tế của Việt Nam. WB cũng hoan nghênh tỷ lệ lạm phát thấp, giữ dưới mức mục tiêu 5%, theo thông báo ngày 28-12 của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Theo Bloomberg, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 6% trong hai năm liên tiếp và lọt vào tốp những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, giữa lúc khu vực Đông Nam Á đang gặp khó khăn. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, trong năm 2017, mức tăng trưởng trên 6% vẫn sẽ được duy trì. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,3% trong năm 2017. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng xuất khẩu cùng lượng kiều hối tăng mỗi năm là những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng ổn định và nâng tầm trong khu vực. Ông Ashish Kanchan, Giám đốc điều hành Công ty Kantar TNS Vietnam, cho biết, kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng trong năm 2017 tại Việt Nam do công ty thực hiện cho thấy, các ngành có tiềm năng tăng trưởng cao như giáo dục, y tế, công nghệ, nhà hàng, khách sạn, ô tô. Ngành thực phẩm, tiêu dùng nhanh, bán lẻ... cũng có nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, tờ Les Echos cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phát triển. Kể từ năm 2012 cho đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng tới 97% và các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận trung bình gia tăng 23% trong năm 2017. Về làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tờ Les Echos nhận định, chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tài chính linh hoạt và cả khả năng cạnh tranh mạnh về giá, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự gia tăng đầu tư nước ngoài, nhất là việc giới đầu tư nước ngoài đang lo ngại tình hình tại Philippines trong thời gian gần đây. Theo tập đoàn Credit Suisse, Việt Nam đã giành được thị phần trước Trung Quốc trong chuỗi giá trị hàng hóa như thiết bị điện và điện tử. Ngoài ra, thị trường chứng khoán trong nước sẽ được hưởng lợi từ các đợt IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
THANH HẰNG