Điểm tựa đời tôi

A.Dũng
Điểm tựa đời tôi

Mẹ tôi là giáo viên Trường cấp 1, 2 (nay là trường tiểu học) Hải Bình, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Năm 1984, gia đình tôi theo bố vào Sơn Trà, Đà Nẵng mưu sinh. Nghề giáo viên của mẹ chấm dứt từ đấy. Khi ấy, bố tôi là sĩ quan quân đội mới ra trường. Cuộc sống của sĩ quan thời bao cấp với lương “ba cọc ba đồng” làm sao nuôi nổi gia đình 5 miệng ăn. Không thể ngồi chờ đồng lương ít ỏi của bố, mẹ bắt đầu nuôi heo. Những lứa heo đầu chết hàng loạt nhưng mẹ không nản chí, “thua keo này, bày keo khác”, mẹ nói vậy.

Lúc ấy nhà tôi nghèo lắm, gạo không đủ ăn nói gì đến cá thịt. Cơm độn sắn, thức ăn là rau muống luộc chấm mắm cáy là tốt lắm rồi. Mẹ nói “Nhà mình nghèo, lương bố ít, nhưng các con phải học. Nhất định các con phải học nên người. Không học là khổ và nghèo mãi”. Nhiều bữa, 3 anh em tôi đi học về, bụng đói meo. Cơm hấp cám, gạo ít cám nhiều mà vẫn ngon miệng. Ba anh em có hai cái quần lành lặn, anh mặc đi học buổi sáng, em mặc buổi chiều. Khi học cấp 3, anh em tôi vẫn mặc chung quần áo. Nhiều lúc thấy mẹ vất vả nuôi heo, bố thì biền biệt công tác xa nhà, tôi muốn bỏ học để đỡ đần mẹ. Mẹ tôi khóc bảo: “Đời mẹ khổ, nhất định các con phải được học nên người, rau cháo cũng không được bỏ học, con ạ”.

Năm 1986, bố tôi theo đơn vị chuyển vào Vũng Tàu công tác. Cả gia đình tôi lại lần nữa chuyển nhà. Nơi ở mới muôn vàn khó khăn. Bố mượn tạm một góc phòng của đơn vị gọi là “cho có chỗ chui ra chui vào”. Mẹ lại nuôi heo và mở thêm quán nước nhỏ ven đường kiếm tiền mua gạo. Một buổi đi học, buổi còn lại, 3 anh em tôi giúp mẹ bán quán, vớt bèo nấu cám chăn heo. Từ 3 giờ sáng, tôi đạp xe hơn 7km đi xin cơm thừa của các chú bộ đội. Nhiều bữa, trời mưa đường trơn xe trượt tôi ngã vật ra đường, đầu mặt, quần áo bê bết cơm thừa. Thời gian lặng lẽ trôi đi như chứng kiến bao nhọc nhằn của cả gia đình. Tiền bán từ nuôi heo, mẹ mua cho 3 anh em mỗi đứa một bộ quần áo mới và ăn một bữa cơm thịt no nê.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Năm 1993, đơn vị bộ đội chia cho bố tôi một mảnh đất nhỏ làm nhà ở. “Mừng như sảy đầu gối”, mẹ bán hết lứa heo, vay thêm tiền bà con, anh em, đồng đội để làm nhà. Vậy là gia đình tôi có nhà mới. Hai em tôi đã vào đại học, còn tôi ra trường.

Đúng lúc ấy, mẹ tôi ngã bệnh. Mẹ bị sỏi thận. Hôm đưa mẹ đi bệnh viện ở Sài Gòn khám, trời nắng chang chang, mồ hôi mẹ ròng ròng mà thương quá. Tôi đã khóc khi bác sĩ nói “mẹ em bị hở van tim hai lá, nghẹt van tim, phải điều trị tim trước khi mổ lấy sỏi thận”. Mẹ rất buồn, nhưng bề ngoài cố giữ bình tĩnh và đề nghị bác sĩ cho điều trị ngoại trú. “Điều quan trọng nhất bây giờ là việc học tập của các con. Mẹ không muốn vì mẹ mà các con sao nhãng việc học hành”.

Tình cảnh gia đình tôi như “ngàn cân treo sợi tóc”, bằng mọi cách để cứu mẹ dù phải bán nhà. Ngày hội chẩn cuối cùng, mẹ khóc, nói “mẹ có nguyện vọng là không mổ, vì nhiều người sau mổ sức khỏe yếu hơn và hai năm sau phải mổ lại”. Được các bác sĩ tư vấn, và theo nguyện vọng của mẹ, bố con tôi đưa mẹ về uống thuốc Nam. Tháng 5-2004, mẹ bị nhũn não do biến chứng từ suy tim, người lệch một bên, đi lại khó khăn. Rồi bị tắc mạch máu ổ bụng. Hai chân mẹ khô cứng như chân gà cắt không giọt máu. Đưa mẹ cấp cứu bệnh viện, bác sĩ lắc đầu.

Lúc đó, cả gia đình xác định mẹ sẽ chết và chuẩn bị hậu sự. Nhưng linh tính mách bảo mẹ không thể chết, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã chẩn đoán nhanh và quyết định cưa hai chân cho mẹ. Lên bàn mổ mẹ dặn dò như trăn trối: “Các con nhớ học thật tốt, không được bỏ học”. Anh em tôi ôm nhau khóc. 6 giờ phẫu thuật và hơn 3 ngày hôn mê ở phòng hậu phẫu, mẹ tỉnh dậy, không còn đôi chân nguyên vẹn, mẹ mặc cảm, hụt hẫng.

Tôi đã động viên: “Mẹ chết thì lấy ai làm điểm tựa cho cuộc đời anh em con. Mẹ không muốn nhìn thấy ngày anh em con trưởng thành sao?”. Như dồn nén lâu ngày bị vỡ òa, mẹ khóc thành tiếng. Bố tôi cũng khóc và cả nhà anh em đều khóc. Mẹ tôi thoát chết.

Ngày ngày trên chiếc xe lăn, mẹ vẫn động viên ba anh em tôi học thật tốt. Giờ đây, mẹ đã nấu được cơm, nhặt rau, chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Mỗi buổi đi làm về, cả nhà hạnh phúc quây quần bên mâm cơm. Hai em tôi đã ra trường và có việc làm ổn định. Tháng lương đầu tiên, chúng tôi mang về tặng mẹ. Những ngày đi công tác xa nhà, mẹ vẫn là người tôi nhớ nhiều hơn. Anh em tôi trưởng thành, nên người là nhờ mẹ. Mẹ là điểm tựa cho cuộc đời tôi

MAI THẮNG

Tin cùng chuyên mục