Tuy thành lập mới hơn 4 năm nhưng cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Thiện Tâm thuộc Công ty TNHH Thiện Tâm Hương (phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã trở thành điểm tựa tinh thần của nhiều thanh thiếu niên khuyết tật đến từ khắp nơi. Ngoài việc được động viên, chia sẻ tình cảm họ còn có được niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống nhờ sự chỉ dạy tận tình của những người lập nên điểm sáng nhân đạo này…
Không khí tại cơ sở Thiện Tâm khá nhộn nhịp, căn phòng đầu tiên của ngôi nhà rộng hơn 200m², lúc này, có 7 bạn thanh thiếu niên đang cặm cụi làm việc. Một bạn nam chăm chú bên chiếc bàn cắt, đều đặn nâng lưỡi dao lên xuống cắt những tấm giấy xốp nhiều màu sắc thành từng sợi dài. Tiếp đó một bạn nữ chậm rãi cuộn từng sợi giấy đã được cắt thành từng cuộn nguyên liệu tròn trĩnh chuẩn bị cho các bạn khác thực hiện công đoạn cắt dán, tạo hình thành những món hàng lưu niệm hoàn chỉnh theo mẫu. Nhưng có lẽ cuốn hút khách tham quan nhất chính là vô số mẫu đồ chơi lưu niệm xinh xắn, sặc sỡ màu sắc gồm các con thú, nhân vật trong truyện cổ tích… được bày trí trang trọng trong tủ kính dựng quanh vách tường căn phòng.
Và không chỉ có đồ chơi, hàng chục giỏ hoa, các cành hoa giả bằng vải, bằng giấy đủ chủng loại trông không khác gì hoa thật cũng góp phần điểm xuyết và làm tăng sự sinh động hơn cho gian trưng bày. Cô Võ Kim Hương, chủ nhiệm đồng thời là người sáng lập cơ sở, cho biết, tất cả những món hàng lưu niệm bắt mắt nói trên đều do chính đôi bàn tay khéo léo của gần 30 bạn khuyết tật đang nương tựa và học nghề tại đây làm ra.
Thông qua sự “phiên dịch” của cô Hương, chúng tôi bắt chuyện với anh Nguyễn Chí Trung (36 tuổi) học viên khiếm thính, ngụ tại quận Bình Thạnh, mới “nhập cư” được hơn 1 năm. Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, bản thân bị câm điếc bẩm sinh cộng với sức khỏe yếu, suốt 20 năm anh chỉ luẩn quẩn trong nhà, không bạn bè, cha mẹ chỉ gì bắt chước theo làm nấy. Năm 2010 tình cờ biết được thông tin về cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Thiện Tâm, cha dẫn anh đến xin được giúp đỡ trong tâm trạng cầu may.
Vượt qua những sai sót của ngày tháng đầu bỡ ngỡ, e ngại trước một công việc quá cao đối với Trung là học cách làm đồ lưu niệm, 6 tháng sau đó anh đã khiến mọi người phải ngạc nhiên với ngón nghề cắt giấy rất khéo léo và chính xác của mình.
Hiện tại mỗi tháng anh Trung đã tạo cho mình một khoản thu nhập hơn 1 triệu đồng. Anh đưa tay diễn tả rằng: “Điều đó rất có ý nghĩa với tôi”.
Cùng hoàn cảnh khiếm thính như anh Trung, nhưng cô gái trẻ Đỗ Thị Diễm Thảo (33 tuổi) quê ở Bình Dương, được cô Hương và các bạn học viên tại cơ sở phong làm “chị cả” bởi sự thông minh, khéo léo và khả năng tiếp thu kỹ thuật nghề của Thảo. Được người thân đưa đến cơ sở năm 2008, trong tình cảnh khá tự ti và mặc cảm. Nhưng sau 3 năm trú ngụ và học nghề tại mái ấm tình thương này, Thảo không những đã làm được khá thành thạo các khâu lắp ráp một món quà lưu niệm mà cô còn phụ giúp cô chủ nhiệm, huấn luyện tay nghề cho các bạn đồng cảnh ngộ. Thảo còn là một tay may máy cừ khôi.
“Tôi xem nơi đây là mái nhà thân thương để các bạn thanh thiếu niên có hoàn cảnh như tôi có cơ hội vươn lên khẳng định mình” - Thảo đưa tay diễn tả.
Cơ sở dạy nghề Thiện Tâm được chính thức thành lập từ tháng 10-2007 với mục đích dạy nghề và tạo việc làm miễn phí cho các bạn trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, sau hơn 4 năm hoạt động cơ sở đã đào tạo và giúp cho hàng chục bạn thanh thiếu niên khuyết tật có công ăn việc làm ổn định bằng chính sức lao động của mình.
Ngoài ra, với 20 đầu máy may công nghiệp, cơ sở còn hợp đồng may khẩu trang cho siêu thị Co.opMart, túi xách cho Đại học Dân lập Hồng Bàng, giúp gia tăng đáng kể nguồn thu nhập cho các bạn khuyết tật. Cô Võ Kim Hương cho biết thêm, dịp Tết Nhâm Thìn năm nay cơ sở đã đăng ký tham gia gian hàng lưu niệm với 1.000 thú giấy, 500 giỏ hoa tại Chợ Hoa đường Ngô Đức Kế và hội chợ Đường sách tại đường Mạc Thị Bưởi (quận 1).
“Rất nhiều tấm gương người khuyết tật đã cố gắng sống bằng khả năng của mình. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ không muốn là những người ăn bám xã hội. Với sự hỗ trợ của Thiện Tâm trong việc ăn, ở, dạy nghề miễn phí chúng tôi muốn tạo cho các bạn khuyết tật một điểm tựa để phấn đấu và nhận ra rằng cuộc sống của mình vẫn còn rất ý nghĩa nếu biết cố gắng. Bằng khẩu hiệu “khi sử dụng sản phẩm của người khuyết tật là bạn đã tạo cho họ việc làm”, chúng tôi mong sẽ có đông đảo mọi người ủng hộ đồng thời đóng góp ý kiến giúp họ ngày càng tiến bộ hòa nhập xã hội một cách bình đẳng, không còn bị kỳ thị, phân biệt” - cô Hương tâm sự trước khi chia tay chúng tôi.
MAI NGUYỄN