
“Thiếu thông tin công nghệ và thông tin thị trường là hai trở ngại lớn với 70% doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ. Trong một số ngành, trong đó có dệt may, nhà nước đã có những hỗ trợ về thông tin cho các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội ngành nghề, tạp chí, sách báo chuyên ngành… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những hỗ trợ này chưa thực sự chú trọng đến công nghệ”. Đó là những nhận định trong dự thảo đề án “Đổi mới công nghệ phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn TPHCM” của Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, vừa được công bố.
Thông tin đến... tình cờ?
Theo một khảo sát do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thực hiện năm 2003, có 82 doanh nghiệp có ý tưởng đổi mới công nghệ nảy sinh trong quá trình sản xuất; 52 do khách hàng yêu cầu, gợi ý; 50 học tập từ các doanh nghiệp khác; 33 do cán bộ đi học về đề xuất… Trong số các nguồn gốc ý tưởng, chỉ có 16 doanh nghiệp có nguồn gốc ý tưởng đổi mới công nghệ qua trung tâm thông tin công nghệ, tạp chí, sách báo chuyên ngành và 31 có ý tưởng này từ hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo.

Khách tham quan, tìm hiểu về công nghệ, thiết bị mới tại TECHMART TPHCM. Ảnh: Mai Hải
Theo nhiều doanh nghiệp, hiện nay thông tin về công nghệ mà họ nhận được cũng vẫn ít ỏi. Ông Huỳnh Tấn Tư, Giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất cho rằng các doanh nghiệp rất cần được cung cấp thông tin đầy đủ và mới nhất về thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất, có những dự báo cho những thiết bị công nghệ sẽ và đang lạc hậu. Nhà nước cần có một cơ chế rõ ràng và tạo nguồn nhân lực nghiên cứu một cách nghiêm túc các quy trình công nghệ của các nước tiên tiến hiện có cũng như đang còn trên bản thảo.
Ông Nguyễn Tịnh Hiếu, Giám đốc Công ty Cơ khí tự động Định Hưng Phú cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cần nhà tư vấn công nghệ chuyên nghiệp và độc lập để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin về công nghệ cho họ. Thực chất, bên cạnh việc thiếu các đơn vị chuyên nghiệp để tham vấn, năng lực thẩm định công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất thấp, khiến họ không đủ thông tin để xác định rằng mua công nghệ trong nước tốt hơn hay mua công nghệ nước ngoài tốt hơn. “Doanh nghiệp trong nước do không nắm vững công nghệ nên thường khó quyết định mua công nghệ chế tạo trong nước. Trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh rất mạnh dạn khi mua thiết bị do Việt Nam chế tạo vì khả năng kiểm tra của họ là rất tốt”, ông Hiếu nhận định.
Kết quả khảo sát và những nhận định nêu trên cho thấy, trước nhu cầu thông tin công nghệ trong quá trình sản xuất và phát triển, việc chủ động tìm hiểu thông tin công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhìn chung còn nhiều yếu kém. Phần lớn thông tin về công nghệ không đến với doanh nghiệp qua các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, hay những nghiên cứu chuyên sâu của bản thân doanh nghiệp.
Trong thời đại của cạnh tranh gay gắt và hội nhập WTO, liệu có thể trông chờ các thông tin về công nghệ sẽ đến với doanh nghiệp Việt Nam một cách… tình cờ để phát triển?
Đổi mới công nghệ từ sức ép cạnh tranh thị trường
Một số doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các Sở KH-CN cần phải có các đơn vị tư vấn, giải đáp và nghiên cứu về công nghệ để tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp. Với tình hình thực tế của một quốc gia có quá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam, việc tự nghiên cứu và tìm hiểu về trình độ công nghệ là quá tầm với phần lớn các doanh nghiệp nếu không được hỗ trợ đúng mức!
Tuy nhiên, các nhà quản lý khoa học công nghệ lại có một cái nhìn khác. Quan điểm trong dự thảo đề án đổi mới công nghệ công nghiệp của Sở KH-CN TPHCM cho rằng doanh nghiệp chưa thực sự nhìn thấy mấu chốt của hoạt động đổi mới, chưa định vị được hoạt động nào đóng vai trò quan trọng và là khâu đột phá đầu tiên. Các doanh nghiệp còn lúng túng về chiến lược dài hạn, thiếu chiến lược cạnh tranh lâu dài dựa trên cơ sở đổi mới công nghệ nên các hoạt động đổi mới mang tính tự thân nhiều hơn. Doanh nghiệp khi thấy năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đạt như mong muốn thì tiến hành đổi mới công nghệ. Theo Sở KH-CN TP, cách làm này thiếu một tiếp cận quan trọng đó là yêu cầu của thị trường và từ các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp. Đòi hỏi của thị trường và sức ép cạnh tranh mới chính là các yếu tố cơ bản để doanh nghiệp nhìn lại mình và đưa ra ý tưởng đổi mới, xác định các yếu tố cần đổi mới.
Cũng theo nhận định từ Sở KH-CN TP, các chương trình, hỗ trợ đổi mới công nghệ từ phía nhà nước trong thời gian qua chưa thực sự đem lại hiệu quả, thậm chí một số doanh nghiệp còn không biết đến các chương trình này. Theo ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP, việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là cần thiết, tuy nhiên việc cần thiết hơn là hỗ trợ, tạo lập một thị trường khoa học công nghệ, hướng đến việc thành lập các doanh nghiệp tư vấn chuyển giao khoa học công nghệ chuyên nghiệp. Thông tin công nghệ được cung cấp đầy đủ hơn cho doanh nghiệp khi có một thị trường tự do với các doanh nghiệp tư vấn công nghệ chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp tư vấn sẽ thu phí và đảm bảo thương hiệu của mình, còn nhà nước sẽ là đơn vị điều phối thị trường đó.
Có lẽ, khi có nhu cầu từ thị trường, việc xuất hiện những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu thông tin công nghệ sẽ hợp lý hơn so với quan điểm cần sự bao cấp, hỗ trợ đơn thuần từ nhà nước như lâu nay.
MINH TÚ