Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống - Sáng tạo phải có bản lĩnh

Hiện thực không phải là sự vay mượn
Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống - Sáng tạo phải có bản lĩnh

Sáng 12-3, trong khuôn khổ hoạt động của ngày Điện ảnh Việt Nam, buổi hội thảo “Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống” được tổ chức tại TPHCM. Một lần nữa, các nhà lý luận phê bình, nghệ sĩ, nhà sản xuất phim… đã ngồi bàn luận lại những vấn đề tưởng đã cũ nhưng vẫn hé lộ điểm mới.

Cảnh trong phim “Cô dâu đại chiến” - một trong những phim tham dự giải Cánh diều vàng.

Cảnh trong phim “Cô dâu đại chiến” - một trong những phim tham dự giải Cánh diều vàng.

Hiện thực không phải là sự vay mượn

Đề dẫn cho buổi hội thảo, TS Ngô Phương Lan, nhà lý luận - phê bình điện ảnh nhắc lại sự thành công của những tác phẩm điện ảnh Việt Nam trước đây thường được đánh giá nằm ở mảng đề tài phản ánh chiến tranh. Nhưng bước sang thế kỷ 21, đề tài phim đương đại hiện là những vấn đề mới. Người làm phim thường chú ý đi sâu vào những ngóc ngách đời thường, đời sống nội tâm, cảm xúc của con người. Hiện thực nằm trong bản lĩnh, là sự hiểu biết, tinh tế của những người làm phim.

Nhà văn Chu Lai ví von hiện thực như tình yêu: “Không yêu cháy lòng cháy dạ, không tha thiết, không khổ đau tìm mọi cách để xâm nhập được vào trái tim chật chội và kiêu kỳ của nàng để buồn vui sâu thẳm thì mãi mãi đứng bên ngoài, hắt bóng… Cuộc sống đời thường cũng như đời sống trận mạc, nó đòi hỏi con người miêu tả nó như vốn nó có, trần trụi, xôn xao, muôn ngàn ngóc ngách đồng chiều và trái chiều. Tô hồng hoặc bôi đen, phồng lên hay xẹp xuống, chắc chắn nó sẽ từ chối”.

Với góc nhìn “hai trong một”, nhà báo và nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long nhận xét về hiện thực đất nước. Một hiện thực ngồn ngộn biết bao vấn đề đã xảy ra. Việt Nam đang chuyển mình đổi mới kinh tế, với biết bao vấn đề, sự kiện, tình huống, số phận con người bị cuốn vào vòng xoáy của guồng máy thương trường. Một lớp trẻ thế hệ 7X, 8X say sưa với lý tưởng làm giàu và chính nơi này nảy sinh biết bao mặt trái, phải của vấn đề…

Phim “Long thành cầm giả ca”, một trong những bộ phim truyện nhựa lịch sử khai thác được nhiều màu sắc nghệ thuật dân tộc.

Phim “Long thành cầm giả ca”, một trong những bộ phim truyện nhựa lịch sử khai thác được nhiều màu sắc nghệ thuật dân tộc.

Thế nhưng, liệu phim Việt Nam nói chung và phim truyền hình nói riêng có đồng hành với thời đại? Cũng theo nhà lý luận phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long, thực trạng phim Việt Nam trên màn ảnh nhỏ hiện nay chiếm số lượng giờ phát sóng không nhỏ sau khi Nghị định 96 quy định 30% phim Việt Nam trên sóng truyền hình. Thực tế, một số phim phản ánh trung thực hiện thực đời sống nông thôn Việt Nam như Ma làng, Gió làng Kình, Bí thư tỉnh ủy của VFC hay Vịt kêu đồng, Ngã rẽ của TFS; hoặc Bỗng dưng muốn khóc của BHD, với mô-típ “hoàng tử - lọ lem” nhưng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã thoát ra khỏi cái bóng phim Hàn Quốc, để đi vào đời sống thực của con người Việt Nam… đã chinh phục được tình cảm của khán giả màn ảnh nhỏ. Chỉ mới 2 năm nay, các nhà làm phim Việt đã có thời cơ thuận lợi trên sóng giờ vàng. Phim Việt phát triển là điều quá vui mừng nhưng cũng là một sự thật chua chát đôi khi không ít người “sính” làm phim theo kiểu Hàn Quốc, mô phỏng những câu chuyện tình hoàng tử - lọ lem. Sự mô phỏng ban đầu đáp ứng thị hiếu khán giả qua một số phim Tuyết nhiệt đới, Tình yêu còn lại, Tường vi cánh mỏng…, nhưng, dần dần người xem đã bị “bội thực” qua những bộ phim kéo dài lê thê với quá nhiều tình tiết phi lý như kiểu các phim Cô gái xấu xí, Tình yêu pha lê, Một ngày không có em, Tóc rối…

Cho nên, khán giả rất cần những lời giải, những cảm thông đồng điệu từ những người trong cuộc chứ không phải là những bộ phim kéo dài hàng trăm tập copy từ câu chuyện xứ người, tình huống của những con người với tính cách hoàn toàn khác với mình.

Như vậy, vấn đề quan trọng là khơi gợi và nêu cao lòng tự trọng dân tộc, phải đưa hiện thực Việt Nam, đời sống của con người Việt Nam vào phim Việt Nam.

Hiện thực và bản lĩnh nghệ sĩ

Một trong những vấn đề bàn luận được chú ý trong hội thảo về 3 bộ phim Bi, đừng sợ; Cánh đồng bất tận và Rừng Na Uy là những ý kiến khen chê trái chiều theo cách nhìn nhận riêng của các nhà làm phim: đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, PGS Trần Tuấn Hiệp…

Tuy nhiên, tổng kết hội thảo, GS-TS Trần Luân Kim đã phân tích, đánh giá khá kỹ một số bộ phim tiêu biểu. Những vấn đề về tính dục đối với lớp trẻ trong Rừng Na Uy có màu sắc dân tộc của đất nước hoa anh đào nhưng là điều khá tế nhị đối với nếp sống truyền thống văn hóa Việt Nam; hiện thực như những “lát cắt” trong Bi, đừng sợ hay hiện thực trong Cánh đồng bất tận mô tả thực trạng của hiện thực trong cuộc sống hôm nay với sự đan xen, song hành và tác động qua lại giữa những cái đúng - sai; tốt - xấu; thật - giả… luôn luôn được phát hiện và chọn lọc tinh tế. Phản ánh hiện thực không có nghĩa là “bê nguyên xi” mọi thứ. Chính vì vậy, đứng trước hiện thực chọn lựa đầy khó khăn và đầy thú vị, đòi hỏi người sáng tạo phải có bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh dân tộc, bản lĩnh nghề nghiệp và nhất là trách nhiệm, lương tâm của một người nghệ sĩ chân chính.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục