Điện ảnh Việt Nam: Nhiều nút thắt

Năm 2015 là bước ngoặt quan trọng đối với điện ảnh bởi lần đầu tiên, phim sản xuất trong nước tạo ra kỷ lục mới với 40 phim chiếu rạp. Song đây cũng là thời điểm đánh dấu việc không còn sự phân biệt hãng phim tư nhân và nhà nước bởi lẽ việc cổ phần hóa các hãng phim được coi như đã hoàn tất.
Điện ảnh Việt Nam: Nhiều nút thắt

Năm 2015 là bước ngoặt quan trọng đối với điện ảnh bởi lần đầu tiên, phim sản xuất trong nước tạo ra kỷ lục mới với 40 phim chiếu rạp. Song đây cũng là thời điểm đánh dấu việc không còn sự phân biệt hãng phim tư nhân và nhà nước bởi lẽ việc cổ phần hóa các hãng phim được coi như đã hoàn tất.

Vì thế, ngày 21-4, tại Hội Điện ảnh Việt Nam, nhiều nhà quản lý, đạo diễn, biên kịch... đã cùng ngồi lại để nhìn lại chặng đường đã qua.

Xóa bỏ ranh giới

Năm 2015, con số 40 bộ phim được sản xuất trong nước đã tạo nên sự đột phá về số lượng phim Việt Nam sản xuất trong nước. Con số này trong một vài năm tới có lẽ cũng khó đạt được.

Phân tích về điều này, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết, năm 2015 đất nước có kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, vì thế số lượng phim đặt hàng cũng lên tới 7-8 phim, nhưng năm 2016 sẽ không còn phim đặt hàng nữa.

Theo bà Ngô Phương Lan, mặc dù Luật Điện ảnh có hiệu lực từ 1-1-2007, nhưng từ đó tới nay đã gần 10 năm việc xây dựng thông tư hướng dẫn đấu thầu phim vẫn chưa thành công. Và không có thông tư đấu thầu phim thì Bộ Tài chính không thể cấp kinh phí, vì thế nguồn tiền để hỗ trợ làm phim sẽ không thể có được. 

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - một bộ phim thành công, kết hợp giữa nhà nước và tư nhân

Không mang nặng tư tưởng phim tư nhân - phim nhà nước tuy nhiên nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc lại cho rằng, mặc dù xu hướng của thế giới là phim thương mại nhưng phim chính thống vẫn phải có vai trò của nhà nước. Những phim nhà nước đặt hàng, vẫn có giá trị thẩm mỹ, nhân văn, có thể thi đấu quốc tế, làm nổi bật thương hiệu của điện ảnh Việt Nam. “Nếu thiếu thì chúng ta lại trở về thời kỳ buôn thúng bán mẹt, thời kỳ phim mì ăn liền”, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc nhấn mạnh.

Đạo diễn Nhuệ Giang cho rằng, có thể việc cổ phần hóa các hãng phim sẽ đem lại luồng sinh khí mới, buộc các hãng phải tự đổi mới mình, làm khác đi nhưng với người làm nghề thì luôn chấp nhận sự tồn tại dòng chảy của phim thị trường (dành cho quảng đại quần chúng). Riêng dòng phim nghệ thuật kén khán giả hơn rất nhiều và người làm phim phải biết dũng cảm với lựa chọn của chính mình.

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, vật cản lớn nhất của phim truyện hiện nay là do không minh bạch. Bà Nhã cho rằng, cũng không nên phân biệt dòng phim nhà nước và tư nhân nữa mà cần mổ xẻ, thảo luận từng trường hợp xem tại sao có những bộ phim bị “đánh” nhiều, “đánh” đau thế.  Kể cả những bộ phim mà chúng ta - những người làm phim cho là ổn thì phải xem khán giả cho là bất ổn ở chỗ nào.

Bà Trịnh Thanh Nhã nhận định: “Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật đó. Nhìn thẳng bằng sự lên tiếng khoa học, đối thoại và cả bằng con mắt nghệ thuật của mình. Bây giờ chúng ta cứ nói chung chung như vậy thì bản thân tôi cũng không biết, như phim Sống cùng lịch sử “chết” vì lý do gì, tại sao lại bị “đánh” đau như thế. Chúng ta đã bao giờ tổ chức một hội thảo về vấn đề này một cách tử tế chưa. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay như thế, chúng ta đã bao giờ phân tích nó hay ở điểm nào mà thu hút được khán giả quan tâm nhiều như vậy. Để lần sau, chúng ta có thể làm tốt hơn thế. Và có thể thấy, với những phân tích kiểu loanh quanh như vậy, điện ảnh Việt vẫn chỉ dừng lại ở vấn đề phim nghệ thuật và phim thương mại”.

Gian nan đưa phim ra rạp

Phim hay làm ra khó nhưng  để phát hành lại còn gian nan hơn nhiều, đây là một trong những nút thắt khiến những người làm điện ảnh trăn trở. Phân tích về mối lo này, nhà biên kịch Đoàn Tuấn cho rằng, người làm điện ảnh giờ đây đang phải đối mặt với “thù trong, giặc ngoài” bởi lẽ 70% rạp nằm trong tay nhà đầu tư Hàn Quốc, còn rạp của nhà nước thì ngoài Trung tâm Chiếu phim quốc gia ở Hà Nội vẫn hoạt động tốt thì dường như chẳng có rạp nào đáng kể.

Vì thế, bên cạnh việc cạnh tranh với dòng chảy phim nhập ngoại đang ồ ạt xâm chiếm thị trường trong nước thì người làm phim Việt còn phải “lăn lộn” tìm đường đưa phim ra rạp. Nhưng tiếc thay, phần lớn khung giờ chiếu phim nội lại rơi vào quãng 11 giờ, 14 giờ, 15 giờ thì làm gì có người xem”, ông Tuấn nói.

Đồng tình quan điểm này, diễn viên Mai Thu Huyền, hiện cũng đang có trong tay một đơn vị truyền thông sản xuất phim, cũng cho rằng, một bộ phim thành công, có doanh thu lớn thì rạp chiếu cũng chiếm vai trò quan trọng. Như trường hợp Em là bà nội của anh - bộ phim đang chiếm vị trí kỷ lục về doanh thu phòng vé, thì điểm mấu chốt dẫn tới thành công cũng nhờ đơn vị phát hành tốt. Đặc biệt trong đợt phim tết, phim này chiếm lĩnh phòng vé bởi các suất chiếu được sắp xếp dày đặc.

“Hay như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nếu đơn vị phát hành là Hãng phim truyện Việt Nam thì khó có thể làm tốt như Thiên Ngân Galaxy được”, bà Ngô Phương Lan chia sẻ.

Lãnh đạo của Cục Điện ảnh cũng cho biết, đã một số lần mời các công ty nước ngoài đến để cùng bàn bạc về việc này, nhưng  họ không sai luật, phim được phép nhập thì được chiếu. Vấn đề là ta không hạn chế được phim nhập khẩu. Vì thế, cục đang đề nghị trong tháng 5 sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề làm thế nào chiếu được phim tại rạp chiếu bóng, công ty phát hành phim địa phương, vì thực trạng là hiện nay, tổng số 98 phòng chiếu phim của Nhà nước trên toàn quốc không hoạt động được đúng nghĩa theo chuẩn điện ảnh hiện đại.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục