Nhưng ước vọng không có nghĩa là bay lên cùng những mơ ước viển vông mà phải cọ xát cùng thực tế, cùng những khó khăn, ách tắc của chính mình để hiểu rõ tận cùng bản thân mình. Một bệnh nhân muốn thật sự khỏe mạnh, trước nhất phải biết rõ căn nguyên của bệnh tật, phải chấp nhận liều thuốc đắng để vượt qua hiểm nghèo, từ đó mới có thể đứng dậy cùng những hoạch định cho tương lai mình…
Hào nhoáng bên ngoài
Hiện nay, cả hai khâu sản xuất và phát hành chiếu bóng của chúng ta đều đang ở tình trạng bất ổn, dù nhìn ở bên ngoài dường như khá ồn ào, sôi động. Phim Việt vẫn lên danh sách sản xuất ào ạt, chỉ cái tết này đã có 6 bộ phim Việt đang chuẩn bị ra rạp. Ngoài ra, còn khoảng chục phim đang “hành quân” để chốt rạp vào những dịp lễ khác, nghĩa là hiện nay các nhà sản xuất phim Việt đang từng bước phá bỏ nguyên tắc phim Việt chỉ có thể đứng ở rạp vào dịp tết. Khâu phát hành chiếu bóng càng sôi nổi hơn, Cục Điện ảnh đã thống kê doanh thu điện ảnh tại Việt Nam hiện nay tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước.
Đã qua rồi cái thời người Việt Nam chỉ được xem phim cũ mốc xì vài ba năm trước. Bây giờ, khán giả Việt đã có thể tự hào là được xem phim cùng lúc với các nước tiên tiến trên thế giới, đương nhiên là phấn khích… Người ta thấy dường như điện ảnh Việt Nam đang trên đà tiến triển mạnh mẽ, phim Việt sản xuất nhiều, chiếu bóng rầm rộ, các cụm rạp hiện đại theo đúng tiêu chuẩn quốc tế ngày càng mọc thêm nhiều ở các thành phố lớn.
Nhưng thật sự, hầu hết các phim được sản xuất nhộn nhịp hiện nay chỉ phục vụ cho nhu cầu của giới trẻ đô thị theo tiêu chí hài - giải trí. Bởi đó chính là do tư nhân sản xuất, và đó là cách an toàn nhất để thu hồi vốn và có lãi to.
Hai năm qua, các hãng phim nhà nước dường như im tiếng, hãng phim Truyện Việt Nam bất động, Hãng phim Giải Phóng vừa sản xuất được phim Cát nóng, nhưng dư luận lại có nhiều điều tiếng không hay. Ở khâu phát hành phim, Fafilm hoàn toàn ngưng trệ, không nhập được đầu phim nào.
Và nói như ông Dong-Yeong Won, Giám đốc điều hành hãng phim Realies Pictures, Hàn Quốc, trong lớp bồi dưỡng cho Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam về sản xuất và quảng bá phim rằng, ông thấy thị trường quảng bá phim của Việt Nam hiện nay rất tiếc không phải do người Việt Nam nắm mà phần lớn nằm trong tay người Hàn Quốc. Đó là sự thật khá đau lòng. Ông đã khẳng định, rạp chiếu là cái xương sống của điện ảnh, làm phim mà không có nơi chiếu thì bộ phim ấy chỉ còn là rác.
Vì thế, phim của hãng phim nhà nước sản xuất chỉ có thể chiếu được trên mạng lưới rạp do nhà nước quản lý, nhưng hiện nay ở TPHCM, hệ thống rạp chiếu chỉ còn mỗi rạp Đống Đa hoạt động được. Năm 2011, chỉ có 17 phim Việt ra rạp trong khi có trên 106 phim nước ngoài ra rạp, Công ty Megastar ước tính doanh thu phòng vé tại Việt Nam năm 2011 đạt hơn 35 triệu USD…
Cần một chiến lược văn hóa từ Nhà nước
Vì vậy, vấn đề chính của chúng ta hiện nay là phải kiện toàn lại vấn đề sản xuất và quảng bá phim. Làm thế nào điện ảnh Việt Nam có thể đứng vững khi nhập khẩu phim hoàn toàn thả nổi cho các tổ chức, cá nhân liên doanh. Sản xuất một phim nhựa phải đầu tư cả chục tỷ đồng, riêng phim Thiên mệnh anh hùng phải đến 27 tỷ đồng trong khi nhập phim nước ngoài giá rẻ hơn rất nhiều. Hàn Quốc trước khi gia nhập WTO đã buộc các rạp phải chiếu phim nội địa 5 tháng/năm, sau khi gia nhập đã hạ xuống còn 2 tháng/năm. Nghĩa là dù có gia nhập WTO, Hàn Quốc vẫn cố gắng bảo vệ thị trường phim nội địa. Tại sao chúng ta không áp dụng phương cách này để tăng thêm thị phần cho phim Việt.
Và muốn phim Việt được quảng bá mạnh mẽ thì trước nhất người Việt Nam phải nắm rạp chiếu, các địa phương phải xây dựng mới và cải tạo nâng cấp các rạp chiếu bóng, xây dựng cụm rạp hiện đại. Vấn đề này tất yếu phải có đầu tư chiến lược của nhà nước. Nếu như Nghị định 98 quy định 30% số phim truyền hình Việt phát sóng trên mạng lưới truyền hình thì Nghị định 54 cũng ghi rõ “Phim Việt Nam phải đạt ít nhất 30% trong tổng số phim chiếu tại rạp”, nên chăng cần có quy định cụ thể về số ngày chiếu phim Việt Nam trên mạng lưới chiếu bóng, vì đó sẽ là chỗ dựa vững chắc, khuyến khích các hãng mạnh dạn sản xuất phim, khuyến khích các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư cho điện ảnh Việt Nam…
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh có thể đi theo phương thức của Hàn Quốc, nghĩa là trích 3,2% giá vé thu được trên các rạp chiếu cả nước sung vào quỹ. Hơn thế, tại sao ta không trích phần trăm tiền quảng cáo trên các đài truyền hình để đưa vào quỹ này. Đó là cách tốt nhất để ủng hộ phát hiện tài năng, bởi không ai có thể khởi đầu sự nghiệp mà không có sự khẳng định đầu tiên. Với điện ảnh, sự khẳng định ấy vô cùng khắc nghiệt vì tài năng phải cộng với tiền tỷ làm phim…
Ở Hàn Quốc, bản sắc văn hóa được sử dụng như là một lá chắn bảo vệ các ngành công nghiệp văn hóa nội địa trong bối cảnh toàn cầu hóa về văn hóa... Vấn đề của chúng ta hiện nay chính là chiến lược về văn hóa của nhà nước. Và ước vọng tương lai của một nền điện ảnh khỏe mạnh chính là tự mình phải vươn dậy bằng chính thực lực của mình, chứ không phải là những nét hào nhoáng bên ngoài.
NGÔ NGỌC NGŨ LONG