Diễn đàn góp ý xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo: Hiểu đúng, làm trúng về chứng chỉ hành nghề

Đề xuất cấp chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo là một trong những điểm mới đáng ghi nhận, song cũng tạo ra nhiều băn khoăn, trăn trở cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ở các trường học. Báo SGGP ghi nhận ý kiến của những người đang công tác trong ngành giáo dục để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

TS VŨ THỊ THU HUYỀN, giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM: Nâng cao chất lượng giáo dục

thu-huyen-9918.jpg

Giấy phép hành nghề là sự xác định, công nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với cá nhân có đủ năng lực, phẩm chất để tham gia thực hành nghề nghiệp hoặc công việc chuyên môn nhất định. Vì vậy, cấp giấy phép hành nghề cho đội ngũ nhà giáo là yêu cầu cần thiết, phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới, nhất là trong giai đoạn ngành giáo dục đang trên đà phát triển, hội nhập sâu rộng với các nền giáo dục tiến bộ trên thế giới.

Ở góc độ quản lý, để giảm thiểu thủ tục rườm rà, phức tạp, đồng thời tiết kiệm nguồn lực (thời gian, chi phí), cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu loại bỏ những quy định lỗi thời, cập nhật bổ sung thông tin phù hợp, đảm bảo giấy phép hành nghề nhà giáo không chỉ liên thông giữa các cơ sở giáo dục trong nước mà còn liên thông với các cơ sở giáo dục trên thế giới.

Ngoài ra, chứng chỉ hành nghề phải có giá trị thực chất, khách quan, công bằng, đảm bảo các giá trị cốt lõi. Cụ thể, khi được cấp chứng chỉ hành nghề, nhà giáo được bảo hộ đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ trong quá trình hành nghề; có trách nhiệm chủ động bồi dưỡng, rèn luyện năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao uy tín, vị thế bản thân để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội; được trao quyền tự chủ tham gia các hoạt động nghề nghiệp để nâng cao tay nghề, cải thiện thu nhập và các quyền lợi hợp pháp khác.

Đối với người học, chứng chỉ hành nghề nhà giáo giúp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người học trong việc tiếp cận, lựa chọn dịch vụ giáo dục theo nhu cầu; tham gia vào việc giám sát, đánh giá sự phát triển chất lượng đội ngũ nhà giáo. Ở phạm vi rộng hơn là xã hội, chứng chỉ hành nghề giúp quản lý, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhà giáo; khai thác, tận dụng các nguồn lực xã hội để đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực cho đội ngũ nhà giáo, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục.

TS GIANG THIÊN VŨ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM: Tôn vinh các giá trị nghề nghiệp

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục phải có giấy phép hành nghề - được công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia dựa theo các quy ước chung, đảm bảo việc trao đổi và kiểm soát chất lượng giáo dục.

thien-vu-43.jpg

Tại Việt Nam, giấy chứng nhận có ý nghĩa thay thế quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhà giáo, có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần thực hiện lại chế độ tập sự. Như vậy, giấy chứng nhận giúp giảm thủ tục cho nhà giáo trong các trường hợp thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang ngoài công lập hoặc ngược lại; ký hợp đồng làm việc có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Xét ở góc độ chuyên môn, chứng nhận nghề nghiệp đặt ra yêu cầu nhà giáo phải xác định mục tiêu phát triển nghề nghiệp bản thân, liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với sự thay đổi tâm sinh lý của học sinh và bối cảnh xã hội. Không chỉ đội ngũ nhà giáo mà một số vị trí việc làm khác trong trường học như nhân viên tư vấn tâm lý, y tế, bảo vệ, cấp dưỡng... cũng cần giấy phép hành nghề để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, học sinh và cơ sở giáo dục.

Các quy định về gia hạn được cấp giấy phép hành nghề phù hợp với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất không chỉ của người học mà cả người dạy. Cùng với đó, giấy phép hành nghề trở thành công cụ quản lý, bảo vệ và tôn vinh các giá trị nghề nghiệp của người lao động.

ThS LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM: Khái niệm “nhà giáo” cần hiểu rộng

Đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo là điểm mới, từ trước đến nay Việt Nam chưa thực hiện. Tôi cho rằng chứng nhận nghề nghiệp là thủ tục hành chính để quản lý, đồng thời có giá trị cho giáo viên giao tiếp trong xã hội. Trong bối cảnh giáo dục luôn được quan tâm và phát triển, người thầy phải luôn có ý thức tốt về nghề nghiệp, ngôn phong chuẩn mực, tác phong và thái độ mô phạm; lối sống nêu gương để được mọi người tôn trọng, góp phần nâng cao giá trị nghề nghiệp.

ngoc-diep-8212.jpg

Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cần đơn giản, nhẹ nhàng, đơn vị quản lý bậc học nào sẽ cấp chứng nhận nghề nghiệp cho bậc học đó. Hiện nay, các bậc mầm non, tiểu học, THCS do UBND TP Thủ Đức và quận, huyện quản lý nên sẽ do phòng Nội vụ của quận, huyện cấp. Riêng cấp THPT và cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, chứng nhận nghề nghiệp do Sở Nội vụ TPHCM cấp. Tất cả chứng nhận đều có giá trị hành chính toàn quốc. Khi nhà giáo nghỉ việc hoặc chuyển ngành, bị kỷ luật không được tiếp tục dạy học thì đơn vị cấp chứng nhận ra quyết định thu hồi.

Người giảng dạy ở bất kỳ môn học nào, đang công tác tại cơ sở giáo dục ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo nghề, trung tâm thể thao… đủ điều kiện dạy học theo quy định pháp luật đều là đối tượng được cấp thẻ nghề nghiệp đúng chuyên môn và vị trí công tác.

Đặc biệt, giáo viên nước ngoài đang dạy học tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam đáp ứng đủ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cũng thuộc đối tượng được cấp chứng nhận hành nghề. Việc cấp chứng nhận không được gây phiền hà, không thu phí của người lao động, đáp ứng các yêu cầu khoa học, chính xác về thông tin, tính thẩm mỹ trong thiết kế để người sử dụng biết nâng niu, tự hào về nghề nghiệp của mình.

ThS PHẠM LÊ THANH, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TPHCM): Tránh cơ chế xin - cho trong cấp chứng chỉ hành nghề

Việc cấp chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là sự đổi mới mang tính nhân văn, tiến bộ. Chúng ta cần nhận định sự khác biệt giữa bằng cử nhân sư phạm và chứng nhận nghề nghiệp. Cụ thể, khi hoàn tất đầy đủ hệ thống tín chỉ trong chương trình đào tạo sư phạm, mỗi sinh viên có 2 lần cọ xát thực tế ở trường phổ thông qua các hoạt động kiến tập và thực tập, nhưng chỉ ở mức độ cơ bản để hình dung công việc của một nhà giáo là gì, chưa thể đánh giá kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề.

le-thanh-6422.jpg

Trong khi đó, chứng nhận nghề nghiệp là minh chứng để đảm bảo giáo viên ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp đào tạo ở trường sư phạm còn đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất hành nghề khi tham gia giảng dạy và quản lý lớp học trong thực tế. Do đó, chứng nhận nghề nghiệp đối với nhà giáo có thể xem như giải pháp “2 trong 1” - vừa giúp định danh nghề giáo rõ ràng trong xã hội vừa từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ, đảm bảo tính cạnh tranh, uy tín nghề nghiệp của giáo viên khi cung cấp dịch vụ giáo dục cho cộng đồng.

Điều tôi trăn trở là cách làm, cơ chế và quy trình cấp giấy phép hành nghề cần đảm bảo tính minh bạch, khách quan, đúng ý nghĩa, có lộ trình đánh giá, sàng lọc mức độ sẵn sàng hành nghề của giáo viên. Tôi đề xuất giấy chứng nhận nghề nghiệp có giá trị sử dụng trong 5 năm, sau 5 năm sẽ đánh giá lại quá trình công tác, mức độ cống hiến, hiệu quả công việc, phẩm chất và đạo đức nhà giáo để quyết định việc cấp giấy chứng nhận hành nghề ở giai đoạn tiếp theo. Nhà nước cần có cơ chế quản lý đồng bộ việc cấp chứng nhận hành nghề nhà giáo giữa các địa phương, tránh tình trạng xin - cho, thả nổi chất lượng.

Ngoài ra, đối với số lượng lớn sinh viên đã tốt nghiệp đại học có bằng cử nhân sư phạm nhưng chưa được cơ sở giáo dục tuyển dụng viên chức hoặc không tham gia giảng dạy trong các hệ thống trường học mà chỉ hành nghề dạy học tự do có thuộc đối tượng cấp giấy phép hành nghề hay không, do cơ quan nào cấp, thủ tục và lệ phí thế nào là những vấn đề cần được quy định rõ.

Tin cùng chuyên mục