Diễn đàn kinh tế Davos: Tìm kiếm mô hình kinh tế mới

Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thường niên khai mạc tại thành phố Davos, Thụy Sĩ ngày 26-1. Nội dung chính của cuộc họp kéo dài 4 ngày này không gì khác hơn là tập trung tìm giải pháp đối với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Diễn đàn kinh tế Davos: Tìm kiếm mô hình kinh tế mới

Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thường niên khai mạc tại thành phố Davos, Thụy Sĩ ngày 26-1. Nội dung chính của cuộc họp kéo dài 4 ngày này không gì khác hơn là tập trung tìm giải pháp đối với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

  • Chủ nghĩa tư bản phương Tây lỗi thời

Các nhà lãnh đạo tài chính và tập đoàn toàn cầu quy tụ về Davos đang phải đối mặt với thực tế rằng mô hình của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã không thành công và các nền kinh tế mới nổi đang trở thành tâm điểm của thế giới.

Suốt 4 thập niên qua, WEF đã trở thành một biểu tượng chiến thắng của tư bản thị trường tự do, nhưng năm nay các đại biểu thừa nhận rằng mô hình nền kinh tế của Trung Quốc được đánh giá cao. Ngay cả các nhà lãnh đạo chính trị, kể cả Thủ tướng Angela Merkel của Đức, cũng cho biết đây là thời điểm để suy nghĩ lại về việc hoạch định chính sách của châu Âu. Vì thế, các cuộc thảo luận tại WEF lần này không gì khác hơn là tìm một mô hình mới cho nền kinh tế toàn cầu thay thế cho mô hình kinh tế của thế kỷ 20 đang trong giai đoạn khủng hoảng.

David Rubenstein, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Carlyle cảnh báo: “Tôi nghĩ rằng chúng ta có 3-4 năm để cải thiện các mô hình kinh tế mà chúng ta có, nếu chúng ta không làm điều đó sớm, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thua cuộc”.

Chủ tịch WEF Klaus Schwab và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại WEF.

Chủ tịch WEF Klaus Schwab và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại WEF.

Tổng Thư ký Liên minh các liên đoàn thương mại quốc tế, bà Sharan Burrow thúc giục các tập đoàn và các chính phủ cùng làm việc với công nhân để tìm ra một mô hình kinh tế mới. “Hãy chú tâm đến nền kinh tế thực sự vì thị trường tài chính đang giết chết người lao động. Chẳng ai muốn thấy bất ổn xã hội liền kề các bất ổn về kinh tế”.

Giáo sư Raghuram Rajan thuộc Trường Đại học Chicago, Mỹ cảnh báo rằng sức mạnh của nền kinh tế phương Tây thế kỷ 20 đã không làm cho công nhân giàu lên ngay cả trong thời điểm kinh tế phát triển mạnh trong những năm 1960.

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF, ông Klaus Schwab, nêu ra câu hỏi quan trọng là liệu chủ nghĩa tư bản còn phù hợp với thế giới ngày nay hay không? Theo ông, không rút ra được những bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, chủ nghĩa tư bản trong trạng thái hiện nay không còn phù hợp, đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề và nguy cơ mà thế giới đang phải đối mặt và sau đó có thể đưa thế giới rơi vào tình trạng “lạc lối” với kinh tế suy giảm, xã hội rối loạn đi kèm với chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc.

Các nhà lãnh đạo quốc gia như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng có những bài phát biểu quan trọng tại WEF.

  • Những điểm sáng

Nếu như các cường quốc kinh tế đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế thì tại hội nghị lần này, các nền kinh tế mới nổi đang tạo nên nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Các nước như Tunisia, Thái Lan và Nam Phi cũng muốn chứng tỏ khả năng vươn lên về kinh tế. Một phái đoàn đông đảo từ các cường quốc mới nổi bao gồm Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đang nói đến một “thế kỷ của châu Á”.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính theo tỷ lệ sức mua (PPP), GDP của các nền kinh tế mới nổi đã đạt 49% tổng GDP toàn cầu. Như vậy, giữa các nền kinh tế phát triển đang có GDP gần bằng với các nền kinh tế mới nổi.

Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, Phó Tổng Giám đốc IMF Chu Mẫn cho rằng, mô hình kinh tế của các nền kinh tế mới nổi theo hướng chú trọng tiêu dùng nội địa, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu đang trở nên quan trọng. Còn ở các nền kinh tế phát triển, ưu tiên tạo tăng trưởng, không chú trọng đến bất công.

Chẳng hạn tại Mỹ, trong vòng 15 năm, thu nhập của những người giàu nhất (chỉ chiếm 1% dân số) tăng 270% trong khi thu nhập của những người nghèo nhất (chiếm 20% dân số) chỉ tăng 27%. Ông Chu Mẫn cho rằng tăng trưởng kinh tế nếu không được phân bổ đều thì bất ổn xã hội là điều khó tránh khỏi.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục