Ngày 5-6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI) đã tổ chức hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Đây là một trong những hoạt động bên lề Hội nghị WEF Đông Á 2010. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, từ năm 1991 đến nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức cao và khá ổn định. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng bền vững vẫn còn ở phía trước.
Trong những năm qua, tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự gắn với tăng hiệu quả kinh tế. Thách thức lớn vẫn là thu hẹp khoảng cách về phát triển xã hội giữa các vùng, hạn chế chênh lệch lớn về thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường vẫn là thách thức lớn trong thời kỳ tới. Những yếu tố này được xem là cản ngại đối với năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Do vậy để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên mọi mặt, từ cấp độ vi mô tới vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp tạo tiền đề cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời kỳ hậu khủng hoảng và những năm tiếp theo.
Việt Nam sẽ công bố “Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2009-2010”, thể hiện cam kết của chính phủ thường xuyên rà soát, cập nhật các đánh giá và phân tích để điều chỉnh chính sách kịp thời. 3 vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam là phát triển nguồn nhân lực, hiệu quả sử dụng tài nguyên và cải thiện cơ sở hạ tầng cùng với cải cách thủ tục hành chính.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak, nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện cơ sở hạ tầng là hai vấn đề quan trọng nhất trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông cho biết, Hoa Kỳ luôn đẩy mạnh quan hệ hợp tác về giáo dục với Việt Nam.
Theo ông, việc mở rộng hệ thống giáo dục đại học là chủ trương đúng nhưng cần đảm bảo chất lượng. Cùng mối quan tâm về giáo dục, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đặng Huy Đông cho biết chính phủ đã và đang chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Theo “Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2009-2010” của Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong những năm qua, Việt Nam chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở mức cao nhưng thiếu trọng tâm.
Nhiều ý kiến lo ngại tình trạng đầu tư trực tiếp (FDI) gia tăng nhưng kéo theo thâm hụt thương mại cũng tăng theo. Nguyên nhân là do các công ty đầu tư vào Việt Nam chưa thể sử dụng những nguyên liệu có sẵn trong nước, phải nhập khẩu từ bên ngoài và đa số sản phẩm xuất khẩu ở mức độ nguyên liệu thô.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng việc sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả đang được chính phủ quan tâm. Luật về khai thác khoáng sản đang được Quốc hội thảo luận và đây sẽ là một trong những chính sách quan trọng trong 10 năm tới.
Lãnh đạo TPHCM tổ chức chiêu đãi Tối 5-6, lãnh đạo TPHCM đã mở tiệc chiêu đãi các đại biểu dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á). Tới dự có các đồng chí Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM. Về phía khách có Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Buason Buphavanh, Thủ tướng Myanmar Then Sen và nhiều lãnh đạo các tập đoàn, tổ chức của Việt Nam và quốc tế. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân bày tỏ hy vọng, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ là những cầu nối giúp chuyển tải thông điệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác của TPHCM đến với cộng đồng quốc tế nói chung, giới doanh nghiệp nói riêng. |
Vũ Minh