Ông NGUYỄN MINH TIỆP, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa: Nghệ thuật không quyết định một con người thành tốt hay xấu
Nghệ thuật và cuộc sống luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau. Nghệ thuật bắt nguồn từ chính cuộc sống, thể hiện khát khao, mơ ước, mong muốn của chính con người và mỗi người đều nhận lại sự tác động ở các mức độ khác nhau khi tiếp nhận nghệ thuật.
Với trình độ dân trí ngày càng nâng cao, khán giả hiện nay xem phim, xem nghệ thuật là để giải trí, thưởng thức chứ không phải để bắt chước ai. Nếu một người đủ năng lực hành vi dân sự, xem phim nhưng không phân biệt được tốt, xấu mà bắt chước theo cái xấu, họ phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, không thể đổ lỗi cho phim ảnh. Phim ảnh, nghệ thuật không phải là yếu tố để quyết định một con người thành tốt hay xấu được.
Tại thời điểm này, nhu cầu xem giải trí khá đa dạng. Khán giả chịu bỏ tiền ra thì họ lựa chọn kỹ, còn đối với phim truyền hình, mỗi người cũng có nhiều lựa chọn nên không nặng nề trong việc “vạch lá tìm sâu”. Nếu không thích thì chuyển sang kênh khác. Bởi vậy, người làm nghệ thuật cũng cần chuyển biến phù hợp hơn với xu thế đó để có được những tác phẩm chất lượng nhưng vẫn thỏa mãn tâm lý, nhu cầu của người xem. Với rất nhiều lựa chọn, khán giả chắc chắn sẽ không lãng phí thời gian, tiền bạc cho những tác phẩm nghệ thuật “nhảm, nhạt” không có đầu tư về nội dung, kỹ thuật.
Nghệ sĩ điêu khắc ĐỖ HÀ HOÀI: Đừng gánh trên vai trách nhiệm quá lớn lao
Trong những sáng tác của mình, mạch cảm hứng của tôi luôn bắt đầu từ thực tế cuộc sống mà tôi trải qua hoặc chứng kiến. Như chuỗi sáng tác những tác phẩm về dị ứng bắt đầu từ việc cơ thể tôi bị dị ứng khi ăn bánh mì và theo thời gian, chủ đề “dị ứng” bắt đầu có những nhánh nhỏ khác nhau để phản ứng thực tế cuộc sống. Như “dị ứng” của bản thân khi đối mặt với một lượng lớn thông tin giả, cố tình giật gân, câu view từ mạng xã hội, một bộ phận giới trẻ sử dụng Internet tiêu cực; “dị ứng” về các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…
Tôi nghĩ phản ánh thực tế luôn là cách để tác phẩm dễ đi vào lòng người, được công chúng quan tâm và đón nhận nhiều hơn, vì chúng ta đang sống cùng thời đại với nhau, sẽ có chung mối quan tâm về những vấn đề xã hội. Tôi không đặt nặng tác phẩm của mình phải gánh vác trách nhiệm giáo dục hay tuyên truyền, mà quan trọng là thông điệp mình gửi gắm qua tác phẩm có phản ánh được vấn đề xã hội, cuộc sống hiện tại bằng ngôn ngữ của điêu khắc hay không.
Nêu ý kiến trên mạng xã hội, tài khoản “Tran Huynh Nga” cho rằng: “Ở thời điểm này, nếu yêu cầu người làm nghệ thuật phải rập khuôn trong sáng tạo, tạo nên nhiều tác phẩm nặng về tuyên truyền thì rất khó “được lòng” người trẻ. Như bối cảnh hiện nay, khi dịch Covid-19 vẫn còn nặng nề, nếu chúng ta cứ chăm chăm cho các đợt vận động sáng tác kiểu truyền thống thì rất khó để người trẻ yêu thích. Họ có thế giới riêng trên không gian mạng, sao không dựa vào đó, mở các cuộc thi sáng tác đương đại, nghệ thuật sắp đặt để thu hút họ nhiều hơn”. Trong khi đó, tài khoản “”Nhat Minh” cho rằng: Nếu nghệ thuật mà không được thoải mái sáng tạo thì đó không phải là nghệ thuật. Tài khoản này nêu quan điểm: “Đừng khoác cái áo chật cho nghệ thuật, hãy để người làm nghệ thuật được thoải mái sáng tạo trong cái tôi của mình, nếu điều đó không vi phạm pháp luật”. |