Ngày 24-11, tại TPHCM, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2016 đã được tổ chức. Tham dự có đại diện của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) , Bộ Công thương, Ngân hàng Thế giới cùng nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp trong ngành.
Chi phí logistics Việt Nam vẫn chiếm đến khoảng 20% GDP, trong khi ở nhiều nước có trình độ phát triển tương đương chỉ khoảng 15% GDP. Số liệu này không mới so với các số liệu về chi phí logistics của Việt Nam đã được công bố tại các diễn đàn logistics những năm gần đây. Theo nhiều chuyên gia, điều này chứng tỏ chưa có những cải thiện đáng kể trong nỗ lực kéo giảm chi phí logistics của các cơ quan liên quan.
Dường như để khắc phục điều ấy, tại diễn đàn này, đại diện các bộ ngành chức năng đã đưa ra được nhiều giải pháp với những mục tiêu phấn đấu rất cụ thể. Ở góc độ của ngành giao thông, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, cho biết bộ này đang rà soát lại tất cả các phương thức GTVT và sẽ triển khai thực hiện những dự án kết nối các hình thức vận tải trên trục đường Bắc - Nam với đồng bằng sông Cửu Long. Bộ GTVT cũng sẽ thực hiện kết nối giao thông đường sắt với các cảng biển lớn và các khu công nghiệp lớn; nâng cao năng lực vận tải của ngành đường sắt, ngành hàng không; thành lập sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa quốc gia. Hiện nay, chi phí vận tải chiếm khoảng 60%/tổng chi phí logistics. Giảm được chi phí vận tải sẽ giúp giảm đáng kể chi phí logistics của Việt Nam. Sở dĩ Bộ GTVT phải rà soát và tổ chức lại hoạt động của các loại hình vận tải vì đang có sự mất cân đối giữa các loại hình này. Theo đó, có đến gần 80% hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ - là loại hình vận tải có chi phí cao. Tỷ trọng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và đường thủy nội địa rất thấp, trong khi đây lại là những loại hình vận tải có chi phí vận chuyển thấp và vận chuyển được với khối lượng hàng hóa lớn. Hệ thống giaothông kết nối đến nhiều khu cảng biển lớn của Việt Nam (như Cái Mép - Thị Vải…) lại hầu hết là đường bộ.
Về phía ngành hải quan, ông Âu Anh Tuấn, Cục phó Cục Kiểm định Hải quan - Tổng cục Hải quan, cho biết ngành đang phấn đấu cải thiện cả về điểm số và chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, chỉ số hoạt động logistics, với mục tiêu tối thiểu phải bằng nhóm ASEAN 4. Theo đó, sẽ bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm 10% chi phí tuân thủ/năm, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu từ 10 ngày còn 36 giờ, hàng hóa nhập khẩu từ 12 ngày xuống còn 41 giờ. Thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành từ đánh giá rủi ro sang hậu kiểm. Cùng tham gia đề xuất các giải pháp với ngành chức năng, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho rằng đầu tư vào hạ tầng cơ sở logistics phải dựa trên cái nhìn tổng thể. Việc đầu tư không chỉ cần thiết trong lĩnh vực hạ tầng giao thông mà còn phải quan tâm đến các khung pháp lý đi kèm. Đại diện Ngân hàng Thế giới góp ý, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nên được xem xét trên cơ sở đánh giá nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ nguồn tới nơi tiêu thụ hoặc giao nhận để xuất đi.
Hiện chưa có một cơ quan chính thức quản lý chung ngành logistics Việt Nam. Bộ Công thương được giao xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về logistics. Trong khi đó, hoạt động GTVT lại do Bộ GTVT quản lý. Thực tế này là một trong những thách thức lớn đối với hoạt động logistics - một ngành nghề có vai trò quan trọng trong quá trình kết nối và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
TÂM ĐỨC