Dương Văn Thái ào về đích, vỡ òa với niềm vui chiến thắng. Phía cuối đường đua, Nguyễn Đình Cương vẫn gắng gượng đi bộ về… Hình như Cương không còn sức để chạy nữa thì phải. Đích cách trước mặt chỉ chừng 100m, nhưng đối với Cương lúc ấy sao mà khó thế. Thế là đã qua một kỳ SEA Games không HCV, không những lời chúc tụng, nhưng chẳng hiểu sao mắt của Cương lại sáng rực lên khi nhìn thấy bảng điểm báo đàn em của mình - Dương Văn Thái đã đoạt được HCV…

Niềm vui sướng tột cùng của Dương Văn Thái khi giành chiếc HCV 800m nam. Ảnh: Chi Bảo
Thất bại để đổi lấy... chiến thắng!
Đầu giờ chiều, ít giờ trước khi bước vào thi đấu chung kết cự ly 800m, Nguyễn Đình Cương vẫn quả quyết bảo rằng: “Em hứa với anh, tổ cự ly trung bình sẽ giữ được chiếc HCV 800m. Để vuột chiếc HCV 1.500m đã đau đớn lắm rồi, em và Thái sẽ chiến đấu đến cùng vì điều đó!”.
Nghe, tin và lâng lâng trong lòng một cảm giác hạnh phúc rồi sẽ đến vào buổi tối, khi Cương cùng đàn em Dương Văn Thái tranh chung kết. Cương đã trượt chiếc HCV 1.500m hai hôm trước, nếu không lấy được ngôi vô địch 800m, kỳ SEA Games này sẽ khép lại đầy tiếc nuối…
Nhưng, chẳng có gì phải tiếc nuối, ngay cả khi Nguyễn Đình Cương đã thất bại ở đường chạy chung kết 800m tối qua, thậm chí, anh về đích cuối cùng trong số 10 VĐV tham dự. Cương lết về đến đích, lập tức, sau khi khoác lên vai lá cờ đỏ sao vàng, nhà tân vô địch Dương Văn Thái chạy ào đến và hét lên trong sự sung sướng khôn tả: “Chiến thắng rồi anh ơi! Em cám ơn anh nhiều lắm!”.
Đến đây, và sau những gì đã diễn ra suốt quãng đường đua 800m, tất cả đều hiểu ra rằng Nguyễn Đình Cương chấp nhận thất bại, chấp nhận trở lại với hình ảnh của “người chạy chiến thuật” để giúp Dương Văn Thái chiến thắng.
Không một ai trong số những đối thủ của Cương hôm qua biết Dương Văn Thái là ai. Tất cả chỉ tập trung để đeo bám, để cài, để dùng tiểu xảo ngăn Cương về đích đầu tiên. Ít nhất, họ đã thành công. Thế nhưng, chính cái chiến thuật đánh lạc hướng của Đình Cương đã mở ra cơ hội quá đẹp cho Văn Thái tràn về đích, tất nhiên là trong cả sự ngỡ ngàng của các đối thủ còn lại.
Như thế, Cương có thất bại không nhỉ? Chắc chắn là không rồi! Cứ nhìn vào hình ảnh Văn Thái lao đến ôm chầm lấy đàn anh, cười ra nước mắt giữa sân điền kinh Jakabaring đã thay lời nói lên tất cả. Cương đã thắng và cuộc chuyển giao thế hệ của anh cho đàn em đã thành công ngọt ngào ngay ở đấu trường SEA Games, giống như thời điểm Lê Văn Dương trao cho Đình Cương vài năm trước…
Giữa giây phút đầy xúc động ấy, người viết bỗng nhớ lại lời hứa của Cương trước lúc xung trận, rằng anh và Thái sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ chiếc HCV 800m nam cho tổ cự ly trung bình, còn ai là người chiến thắng đâu có quan trọng gì.
Đúng vậy rồi. Ai thắng giải cũng đâu quan trọng bằng chiến thắng của tinh thần đồng đội, đâu có mạnh hơn sĩ khí của những người đàn ông và đâu có hạnh phúc hơn nữa khi trầm mình trong tiếng quốc ca Việt Nam vang lên, trong hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay ở xứ người. Đấy mới là chiến thắng đúng nghĩa và thật đáng trân trọng!
Nghĩa khí đàn ông!
Cương là thế, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì bạn bè. Hay nói cách khác, Cương sống rất có nghĩa khí, hết mình vì tập thể. Đàn anh Lê Văn Dương, cô em Trương Thanh Hằng và Dương Văn Thái giờ đây là những người hiểu rõ nhất điều này. Cương từng làm nền cho Dương ở SEA Games 23, từng là “quân xanh” của Thanh Hằng trong những buổi tập, và hôm qua Cương lại hy sinh để đàn em Dương Văn Thái chiến thắng ở đường chạy 800m.
Đứng bên lề, chứng kiến cuộc chuyển giao thế hệ diễn ra quá hoàn hảo, nhiều người đã rơi nước mắt. Quay sang hỏi Trương Thanh Hằng - người vừa bảo vệ thành công chiếc HCV 800m nữ cách đó ít phút - rằng hình ảnh ấy có gợi cho cô chút cảm xúc nào không, Hằng trả lời luôn: “Giàu cảm xúc quá anh ạ! Trước khi thi đấu, tổ em đã họp để bàn chiến thuật cho anh Cương và em Thái. Tất cả đều thống nhất anh Cương sẽ chạy chiến thuật cho Thái giữ bằng được chiếc HCV cho tổ. Như anh thấy đấy, họ đã thành công!”.
Thanh Lâm
Chuyên gia Gunter Lange: “Hãy chia nửa chiếc HCV cho Cương!”
Nguyễn Đình Cương vừa rời đường chạy, sắp đồ để ra về, vị chuyên gia người Đức từ đâu bước tới, bắt tay thật chặt và luôn miệng khen: “Cậu cừ lắm biết không? Tôi sẽ bảo Thái chia một nửa chiếc HCV cho cậu, vì cậu xứng đáng với điều đó”. Ông Gunter Lange hiểu rõ hơn ai hết diễn biến trên đường đua tối qua, và màn đánh lạc hướng của Đình Cương khiến các đối thủ Indonesia, Philippines và Thái Lan phải cuốn theo và bao vây Cương vào giữa, vô tình mở ra cơ hội cho Dương Văn Thái chiến thắng.
“Thế này nhé, không phải ai cũng làm được điều mà Cương vừa làm. Ai cũng muốn thành công cho riêng mình. Ai cũng muốn mình là người chiến thắng ở mọi cuộc đua. Vì vậy, không phải ai cũng sẵn sàng hy sinh thành tích của mình vì người khác như Cương được. Tôi đánh giá rất cao điều đó. Hôm nay, việc mà Cương làm xứng đáng nhận điểm 10. Đấy là vẻ đẹp đáng trân trọng và không phải khi nào cũng có ở môn điền kinh”, ông Gunter Lange nhấn mạnh.
Bàn chuyện của Cương xong, ông đề cập đến việc Trương Thanh Hằng chưa thể lấy được chuẩn B cự ly 800m dự Olympic London 2012 ở SEA Games lần này: “Tôi cũng như bà Tâm (HLV Hồ Thị Từ Tâm) cũng hy vọng lắm. Tuy nhiên, dựa trên thực tế cuộc tranh tài lần này, Hằng khó mà hoàn thành được nhiệm vụ. Trước hết và quan trọng nhất là Hằng không có đối thủ xứng tầm ở Đông Nam Á. Chạy một mình, không có sự cạnh tranh nào cả, Hằng có nỗ lực đến mấy thì cũng không thể xác định được cần rút ngắn thời gian xuống bao nhiêu để đạt mục tiêu. Phía trước Thanh Hằng vẫn còn nhiều cơ hội, và tôi tin với khả năng của cô ấy, dứt khoát thành công sẽ đến”.
Lê Quang
Trương Thanh Hằng tiếc nuối!
Về đến đích, đợi thông số thành tích báo trên bảng điểm, nhưng thay vì cười, Trương Thanh Hằng lại tỏ ra buồn bã. Chiếc HCV, chỉ số 2’02"65 không thể đủ giúp cô hoàn thành giấc mơ đạt chuẩn dự Olympic London 2012. “Tiếc quá, tôi lại để vuột thêm một cơ hội nữa. Hôm nay, tôi chạy không suôn sẻ, thậm chí còn bị căng cơ trước khi xuất phát. Tôi đã cố hết sức, nhưng anh biết đấy, tôi rất cần một đối thủ để cạnh tranh, thì may ra mới cải thiện được thành tích. Đằng này…”, Thanh Hằng bày tỏ.

Giành HCV 800 mét nữ, nhưng nụ cười của Trương Thanh Hằng lại kém tươi vì chưa đạt chuẩn dự Olympic 2012.
Cú đúp HCV lần này giúp Thanh Hằng nâng tổng số HCV giành được qua 4 kỳ SEA Games lên con số 7, con số đáng mơ ước đối với mọi VĐV điền kinh trong khu vực. Nhưng rõ ràng vẫn có một chút tiếc nuối, vẫn có một chút nghẹn ngào trong buổi tối 15-11 đầy kỳ vọng.
Thanh Hằng về nhất, đàn em của cô là Đỗ Thị Thảo cũng xuất sắc đoạt HCB với thành tích 2’05"62. Đây cũng chính là thành tích tốt nhất của Thảo tính đến thời điểm này. Ít ra, sau Thanh Hằng, người ta cũng lấy làm mừng khi khoảng cách giữa 2 thế hệ không cách biệt quá lớn.
Dương Văn Thái với chiến thuật “đánh lạc hướng” của đàn anh Nguyễn Đình Cương đã xuất sắc lao về đích để đoạt HCV cự ly 800m nam với thành tích 1’49"42, vượt qua kỷ lục quốc gia mà Lê Văn Dương thiết lập tại Olympic Athens 2004 (1’49"81).
Hôm qua, Đào Xuân Cường bất ngờ chiến thắng ở đường chạy 400m rào nam với thành tích 51"45, xô ngã kỷ lục quốc gia (51"56) mà Nguyễn Văn Phương (TPHCM) giữ suốt từ năm 2001 đến nay.
Như vậy, đến cuối buổi tối hôm qua, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã giành được tổng cộng 9HCV, nhiều nhất trong lịch sử các kỳ SEA Games.
Việt Hùng