* Ngày thi đấu thứ ba, điền kinh Việt Nam giành thêm 2HCV.
Hôm qua, Vũ Thị Hương lại để vuột chiếc HCV ở cự ly 200m. Thất bại ở cả 2 cự ly sở trường, có lẽ, Hương đã gieo vào lòng nhiều người một nỗi thất vọng quá lớn. Nhưng bất ngờ, sự tỏa sáng của Nguyễn Trường Giang và Trần Huệ Hoa ở 2 địa điểm ném lao nam và nhảy 3 bước nữ đã cứu vãn một ngày tưởng như sẽ khủng khiếp cho điền kinh Việt Nam…
Ngỡ ngàng với Nữ hoàng!
Vẫn là pha xuất phát không tốt, màn nước rút không đủ sức mạnh, thêm một lần, Vũ Thị Hương lại thất bại ở Jakabaring. Thì rõ ràng, chiếc HCĐ cự ly 200m cũng coi như là Hương chẳng để lại chút dấu ấn nào đáng kể ở đấu trường mà cô luôn giữ vai “bà chủ”. Thành tích của Hương cũng thấp, chỉ 24"06, xa rất xa so với KLQG mà cô đang nắm giữ.
Trong khi đó, dù cũng bị chấn thương hành hạ suốt thời gian qua, Lê Ngọc Phượng lại chạy tốt hơn, đoạt HCB với thành tích 24"01. Còn nhà vô địch Laphassaporn Tawon (Thái Lan) thì không hiểu vì sao chỉ với chỉ số 23"65, cô lại có thể đánh bại được Vũ Thị Hương - nhà vô địch tuyệt đối của 2 kỳ SEA Games trước.
Trước khi diễn ra chung kết cự ly 200m nữ, nhiều người đã nghĩ sau thất bại trên đường chạy 100m, rất khó để Hương bảo vệ được chiếc HCV. Mọi chuyện diễn ra đúng như dự đoán, nhưng ngay cả khi đã lường được tình hình, người ta vẫn cảm thấy ngỡ ngàng với màn trình diễn dưới mức trung bình của cô.
2 chiếc HCĐ ở 2 cự ly ruột, đấy thực sự là một kỷ niệm đáng quên đối với Hương và điền kinh Việt Nam. Tiếc thay, nó lại xảy ra ở “ao làng” SEA Games, chứ chẳng phải ở một đấu trường nào đó danh giá hơn.
Hương nói sau thất bại: “Tôi lại không thành công. Nhưng tôi vẫn không nản lòng, sẽ lao ngay vào tập luyện sau khi kỳ SEA Games này kết thúc để hướng tới mục tiêu đoạt vé dự Olympic. Tôi thi đấu không tốt ở đại hội lần này thì như mọi người đều nhìn thấy cả, vì rất nhiều lý do, trong đó lớn nhất là ảnh hưởng của chấn thương và thiếu thời gian tập luyện”.
HLV Nguyễn Đình Minh hôm trước ngày học trò thi đấu cự ly 200m có nói rằng, thành tích như vậy là không thể cứu vãn nổi trong vài ngày ít ỏi ở SEA Games. Thậm chí, ông Minh không gắt lên với học trò, tiếp tục động viên Hương giữ ổn định tâm lý để hoàn tất chặng đường SEA Games: “Thất bại cũng đã thất bại rồi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình thế này, nên tôi và Hương phải làm việc lại sau khi đại hội kết thúc”.
Tuyệt vời Huệ Hoa, Trường Giang!
Đến cuối ngày thi đấu thứ 3 môn điền kinh, khi hầu hết đã uể oải với thất bại thứ nhì của “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, thì bất ngờ ở hố nhảy xa 3 bước nữ, cô gái Trần Huệ Hoa đã âm thầm đoạt HCV.
Ở lần nhảy thứ 2, Huệ Hoa đạt mức 13m76, đủ để cô qua mặt 2 đối thủ nặng ký là Thitima Muangjan (Thái Lan, 13m64) và Maria Londa (Indonesia, 13m73) lấy HCV, đồng thời xô ngã KLQG 13m75 mà đàn chị Nguyễn Thị Bích Vân giữ từ năm 2000 đến giờ. Huệ Hoa là VĐV của TPHCM, vừa tròn 20 tuổi và trước kia chuyên tập luyện môn nhảy cao.
Ít phút sau ở điểm ném lao nam, một cái tên khác lại tỏa sáng: chàng trai vàng của điền kinh Bến Tre - Nguyễn Trường Giang - đã xuất sắc đạt mức 69m07 để mang chiếc HCV đầy bất ngờ nữa về cho điền kinh Việt Nam. Thành tích này cũng đã giúp Trường Giang vượt qua chính KLQG 69m04 mà anh thiết lập ở TPHCM hồi năm ngoái.
Có một điều khá đặc biệt, đó là cả Huệ Hoa lẫn Trường Giang mới lần đầu được dự SEA Games và không nằm trong kế hoạch HCV của đội tuyển điền kinh trước giờ lên đường. Ngay cả Hoa cũng thừa nhận: “Thực ra, em không nghĩ sẽ đoạt được HCV, mà chỉ cố gắng đạt thành tích tốt nhất mà thôi. Lần đầu tiên được tham dự SEA Games đã là kỷ niệm đẹp đối với em rồi”. Trong khi, với “lão tướng”
Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1976), đây cũng là lần đầu tiên anh đến với đấu trường SEA Games và cũng bất ngờ với chính chiếc HCV giành được.
LÊ QUANG