Chạm vạch đích ở cột mốc 1 giờ 30 phút 01 giây, tuyển thủ Nguyễn Thành Ngưng chỉ xếp thứ 60/74 VĐV dự tranh chung kết cự ly 20km đi bộ nam ở Olympic 2016. Đây là điều đã được dự báo trước, bởi lẽ Thành Ngưng phải đọ sức với quá nhiều cao thủ trên thế giới.
Thông số thời gian nói trên còn kém khá xa kết quả gần nhất mà Nguyễn Thành Ngưng đạt được tại giải vô địch châu Á 2016 (1 giờ 23 phút 29 giây), thế nhưng việc được xuất hiện ở đấu trường Olympic cũng có thể coi là thành công đáng nể của VĐV người Đà Nẵng. Ít nhất, Ngưng đã giữ cho truyền thống của cự ly đi bộ Việt Nam được liên tục, sau khi người chị ruột - VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc vinh dự tranh tài ở London 2012.
Dù không tạo được bất ngờ trước các cao thủ ở Olympic, nhưng Nguyễn Thành Ngưng vẫn chứng tỏ được ý chí và nghị lực vượt khó của mình
Trước cuộc chiến, Thành Ngưng tâm sự anh đã “chạm được đến cánh cửa của những mong ước tưởng chừng như quá xa vời”, chính là tấm vé dự Olympic 2016. Thậm chí, chàng trai giàu nghị lực nhưng từng nếm trải thất bại nhiều hơn là chiến thắng trong mỗi lần cùng điền kinh Việt Nam bước ra thế giới lại chia sẻ rằng, đấy chính là động lực để anh đứng dậy, quyết tâm làm nên điều kỳ diệu cho bản thân.
Nếu không có những lời động viên từ các đồng nghiệp, từ người chị thành danh Nguyễn Thị Thanh Phúc của anh, có lẽ Thành Ngưng đã từ giã sự nghiệp VĐV khi tất cả vẫn còn dang dở. Chàng trai với vóc người nhỏ bé ấy thừa nhận đôi khi anh cười nhưng nước mắt chảy vào trong vì chưa giúp gì nhiều được cho điền kinh Việt Nam, chưa xứng với niềm tin của thầy cô và giới mộ điệu.
SEA Games 2015, chúng tôi chứng kiến Ngưng đã rơi nước mắt vì chấn thương và thất bại ở đấu trường mà nhiều người tin chắc anh sẽ không tìm ra đối thủ ở cự ly 20km đi bộ. Chàng trai ấy im lặng rời cuộc chơi, trở nên hụt hẫng bên chị mình, nhà vô địch tuyệt đối Nguyễn Thị Thanh Phúc. Đấy là lý do, anh rớt khỏi cuộc đầu tư trọng điểm của ngành TDTT cho đấu trường Olympic 2016, vì ít nhà quản lý điền kinh dám tin sau những thất bại, Ngưng sẽ tạo nên điều bất ngờ.
Nhưng Ngưng đã không bỏ cuộc, ngay cả khi lẻ loi trên đường đua của mình. Tấm vé đến Brazil đã thay lời nói lên tất cả. Ở trong đó, chất chứa sự tủi thân, chán chường nhưng lại đầy nghị lực, khát vọng. Thậm chí, Ngưng chẳng mấy bận tâm đến chuyện được nâng chế độ bồi dưỡng sau khi đoạt vé dự Olympic từ ngành TDTT, vì anh biết điều đó là rất cay đắng, nó chỉ tôn vinh người thành công, còn kẻ thất bại thì tay trắng.
Điều bất ngờ đã không đến, như những gì mà giới làm nghề kỳ vọng ở Ngưng, trong cuộc đua chênh lệch về trình độ giữa anh với nhiều đối thủ mạnh. Thành Ngưng chỉ về đích thứ 60 ở Olympic 2016, với thông số thành tích kém xa những gì anh thể hiện trong cuộc đua giành vé ở giải vô địch châu Á 2016. Lại có nhiều ý kiến chê bai, sẽ lại có những ánh mắt thiếu thiện cảm hướng về phía anh. Nhưng nếu không ghi nhận những hy sinh và cống hiến của Ngưng cho điền kinh nước nhà sẽ là thiếu sót. VĐV người Đà Nẵng suýt chút nữa đã “đơn thương độc mã” ở Rio de Janeiro, nếu phút cuối VĐV Nguyễn Thị Huyền không vượt qua khe cửa hẹp để lấy vé lên đường.
Phía trước là khoảng trời mênh mông, là con đường điền kinh dài vô tận và rất chập chùng. Ngưng đã bước đi, đôi khi là hoang mang, nhưng có lẽ khát vọng một lần được người ta phải nhớ đến tên trong lịch sử điền kinh Việt Nam đã giúp anh chiến thắng chính mình ở vòng loại Olympic khu vực châu Á, để chứng tỏ vận may sẽ mỉm cười với VĐV giàu ý chí và nghị lực.
LÊ HÙNG