Điện sạch về đảo Thiềng Liềng

Trở lại ấp đảo Thiềng Liềng sau hai năm kể từ khi dự án điện mặt trời được triển khai lắp đặt, cuộc sống của 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu đã ít nhiều đổi thay.

Trở lại ấp đảo Thiềng Liềng sau hai năm kể từ khi dự án điện mặt trời được triển khai lắp đặt, cuộc sống của 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu đã ít nhiều đổi thay.

Thiềng Liềng là đảo thuộc huyện Cần Giờ TPHCM, nhưng để có thể đến được đảo, đoàn công tác đi qua hai lần đò mất khoảng hơn hai tiếng đồng hồ. Thuở Thiềng Liềng chưa có điện, sau 18 giờ là nhà dân chìm vào bóng tối. Người lớn thì đi ngủ rất sớm, còn trẻ em phải ngồi học bên những ánh đèn dầu tù mù. Đời sống vật chất của người dân quanh năm còn đối diện với cái nghèo do điều kiện vị trí địa lý cách trở, giao thông đi lại không thuận lợi. Hơn 40% số hộ thuộc diện nghèo, với nghề chính là làm muối. Nghề còn lại là đánh bắt thủy sản cũng chỉ có thể phát triển ở mức tương đối vì điều kiện còn thiếu thốn. Đất đai phần lớn bị nhiễm mặn, thiếu nước ngọt nên không thể trồng trọt.

Với mong muốn cải thiện chất lượng sống của người dân, một dự án điện sạch đã được triển khai lắp đặt. Hơn 80 tấm pin mặt trời có công sức sản xuất 160kWh/ngày đủ để có thể cung cấp điện cho 169/216 hộ dân và các trạm y tế, kiểm lâm, hải quan, ban kiểm soát biên phòng, ban quản lý ấp, đặc biệt là Trường Tiểu học Thiềng Liềng. Ông Nguyễn Văn Yên, tổ 37 Ấp Thiềng Liềng cho biết, từ ngày có điện, nhiều hộ gia đình đã mua ti vi về để đến tối có thể nghe thêm thời sự, xem phim, ca nhạc. Riêng các em học sinh cũng đỡ phải chịu cảnh học bài với ánh sáng leo lét…

Gần đây, chính quyền địa phương lên kế hoạch đem internet về cho ấp đảo (qua 3G) để giúp các em học sinh có điều kiện học tập từ xa, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng máy tính để tiếp cận thông tin bên ngoài vùng đất hẻo lánh này. Bà Trần Diệu Hồng, phụ trách truyền thông Công ty Kim Eng May Bank cho biết, số máy tính vận động được để đem tặng người dân đảo Thiềng Liềng đợt này là 6 máy. Toàn bộ số máy này sẽ dùng để mở các khóa học hướng dẫn các em học sinh cũng như người dân trên đảo biết cách sử dụng máy tính cơ bản và có thể sử dụng internet tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, theo trung úy Minh Tiến, Trạm trưởng Trạm biên phòng Thiềng Liềng, làm thế nào để có đủ điện chạy máy tính là một vấn đề nan giải. Hiện lượng điện chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng cho mục đích sinh hoạt, vào mùa mưa, điện phục vụ sinh hoạt vẫn còn thiếu. Do vậy, để có đủ điện sử dụng cho hệ thống máy vi tính chắc chắc phải sử dụng thêm máy phát điện chạy bằng xăng mà như thế thì chi phí rất tốn kém. Và đó cũng là lý do chung khiến cho đời sống người dân nơi đây dù đã có cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hộ nghèo. Các em trong lứa tuổi đi học cũng bỏ học rất nhiều. Đơn cử, cứ khoảng 90 em học các cấp từ mẫu giáo đến cấp hai nhưng đến cấp ba thì chỉ còn khoảng 10 em theo đuổi việc học. Trường học ở quá xa, phải mất hơn 3 tiếng để di chuyển đi và về. Gia đình lại nghèo, thu nhập không ổn định từ nghề muối và đánh bắt thủy sản là hai lý do chính khiến các em không đủ điều kiện để theo đuổi việc học. Được sử dụng internet là hình thức giúp cho các em học sinh nơi đây có cơ hội phát triển kiến thức, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua hình thức học từ xa. Song sự thiếu hụt nguồn điện đã một lần nữa khiến cơ hội này của các em trở nên chật vật.

THANH NGÂN

Tin cùng chuyên mục