“Năm 2008 – năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”: Cần những chế tài nghiêm khắc

Đánh giá tổng quan, người dân TPHCM đã có ý thức cao hơn để bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống mới lành mạnh văn minh. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều biện pháp phổ biến các quy định đến “tận nhà”. Do đó, vẫn còn tình trạng nhiều người chưa ý thức được tác hại của môi trường vệ sinh kém, vẫn không ít người bàng quan, xem việc giữ đường phố sạch đẹp là của … công nhân vệ sinh! Ngay trong cuộc vận động này, thời gian đầu năm 2008, dịch muỗi và chuột vẫn hoành hành ven kênh rạch ở TPHCM cho thấy tác hại nặng nề của rác thải làm tắc nghẽn dòng chảy, gây hôi hám, làm tái diễn dịch sốt xuất huyết.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở các quận Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân … do có nhiều lò thuộc da, sản xuất mút, nhựa và các phụ liệu giày dép, bao bì… vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Rác thải ở nhiều nơi vẫn là mối lo làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan. Khu vực trung tâm thành phố có nhà vệ sinh thuộc bến xe buýt Sài Gòn vẫn “nổi tiếng” lâu nay vì thiếu nước, chưa được khắc phục…

Những ví dụ trên cho thấy nhiều điều bức xúc về vệ sinh đô thị, yêu cầu bắt buộc đầu tiên của thành phố hiện đại văn minh. Hiện nay thành phố chúng ta đang thiếu rất nhiều bô rác và nhà vệ sinh công cộng, việc thu gom rác thải đang manh mún thủ công, chưa có bô rác tự hủy ven đường. Nhưng điều đó không thể là lý do khiến nhiều người bào chữa cho việc lén lút xả rác không đúng chỗ.

Theo chúng tôi, quan trọng nhất là việc tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cần kết hợp với các biện pháp chế tài nghiêm túc. Cần có thêm nhiều biểu ngữ, pa nô… ghi rõ một số điều luật (trích) rõ ràng, ngắn gọn để người dân quan tâm hơn, tương tự như tuyên truyền mũ bảo hiểm vừa qua. Cần đề cao văn hóa nơi công cộng để mỗi công dân đô thị phải biết “dị ứng” với thói quen tùy tiện, biết phê phán trực diện trước các hành vi thiếu tự giác.

Trong điều 9 Nghị định 150/2005/ NĐ - CP của Chính phủ đã ghi rõ:

- Xử phạt 60 ngàn đến 100 ngàn đồng với các trường hợp không quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh trại, doanh nghiệp, vỉa hè, nhà ga, bến xe, nơi công cộng…

- Vứt rác, xác động vật, chất thải ra nơi công cộng.

- Phóng uế ở đường phố, trên các lối đi chung.

- Để gia súc gia cầm phóng uế nơi công cộng …

- Phạt từ 100 ngàn đến 300 ngàn đồng những cá nhân nào đổ rác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng…

Ngày 23-11-2007, Giám đốc Công an TPHCM đã ký quyết định thành lập Lực lượng Cảnh sát môi trường, trực thuộc Công an TPHCM. Lực lượng này có nhiều chuyên gia là kỹ sư về hóa chất, luật, địa chất… để phối hợp có hiệu quả. Song, việc áp dụng chế tài hiện nay đang chủ yếu tập trung vào các công ty xí nghiệp gây ô nhiễm, rất hiếm xử lý từng công dân vi phạm? Có nhiều ý kiến cho rằng, mức xử lý như trên là quá nhẹ.

Theo chúng tôi, Năm văn minh đô thị 2008 ở TPHCM cần được áp dụng mô hình “vòng tròn đồng tâm”, tạo ra các “vùng sóng” lan rộng từ một điểm chính. Nên bắt đầu từ sự nỗ lực xử lý “quyết liệt, gắt gao, không có ngoại lệ” ở các quận nội thành, sau đó tới các vùng ngoại ô. Sau đợt ra quân đồng loạt vừa qua, xu hướng “rộng và loãng” ở khắp nơi đã cho thấy sự tiến bộ rất chậm nếu cứ theo cách cũ. Nên chăng, vừa vận động tuyên truyền vừa làm theo lộ trình cụ thể. Ví dụ: xóa sạch rác thải bừa bãi, chỉnh đốn và xây mới các khu vệ sinh công cộng ở nội thành, xóa hết các “điểm đen” ô nhiễm trên kênh rạch và ở ngoại thành... Thiết nghĩ, làm theo từng bước, có mục tiêu cụ thể sẽ khả thi hơn kiểu phong trào rồi đuối dần!

Một vấn đề khác xin được đề xuất, thành phố Hồ Chí Minh là nơi “đi trước và về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, thiết nghĩ rất cần những giải pháp đặc biệt, sát hợp hơn. Chẳng hạn, ngoài các quy định chung của Nhà nước, có thể nâng mức xử phạt hành chính (bao gồm các vi phạm về trật tự văn minh công cộng) lên cao hơn nhiều lần trong địa phận TPHCM, tạo ra “ấn tượng ý thức” khó quên cho mỗi người đang sinh sống ở đây hoặc có dịp tới thành phố. Là trung tâm kinh tế - văn hóa - thương mại có mật độ và số dân đông nhất nước, hy vọng sẽ có những quy chế riêng trong khuôn khổ luật pháp cho phép để TPHCM trở thành điển hình tiêu biểu về trật tự văn minh đô thị.

Tham gia Diễn đàn văn hóa xin gửi về Báo SGGP, 438 Nguyễn Thị Minh Khai Q3 - hay email: ngulongsggp@yahoo.com.vn 

NGUYỄN QUÝ TOÀN
(quận 9 – TPHCM)

Tin cùng chuyên mục