Tại cuộc toạ đàm “Dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 - Khả năng đáp ứng mục tiêu về An sinh xã hội” diễn ra sáng 5-11 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), thành viên của Liên minh BTAP đánh giá: “Nhìn chung bản dự thảo 2022 đã phản ánh được tinh thần chia sẻ hành động và huy động nguồn lực đương đầu với khó khăn trong đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, cần hướng tới những đối tượng khó khăn nhất - người lao động di cư tại các đô thị chịu ảnh hưởng dịch nặng nề khiến họ phải mất việc hoặc ngừng việc và trở về quê”.
TS Thành lý giải, có một nghịch lý rất đáng lưu ý là, những tỉnh nghèo nhất thường đồng thời có nhiều người di cư nhất, thì lại là những tỉnh cần chi tiêu nhiều nhất trong việc hỗ trợ người lao động di cư trở về. Chính vì thế, cần có sự phân bổ ngân sách cho các tỉnh khó khăn nhất theo một cơ chế đặc biệt, và giám sát chặt chẽ sự chấp hành.
Vẫn theo ông Thành và một số chuyên gia, việc điều chỉnh lại tỷ lệ phân chia NSNN của một số địa phương như TPHCM hay Hà Nội là cần thiết, khi bối cảnh dịch bệnh đặt ra nhu cầu về chi NSNN của những địa phương này rất lớn.
Báo cáo Dự toán NSNN năm 2022 đã được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, song theo phản ánh tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia và người dân vẫn gặp khó khăn khi kết nối giữa “mục tiêu ngân sách năm 2022” với phụ lục số liệu.
Đơn cử, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), dự thảo NSNN 2022 đã công bố không chi tiết về chi đầu tư như chi thường xuyên vì vậy rất khó đánh giá liệu NSNN có đủ đảm bảo 20% cho giáo dục, 2% cho KHCN, 1% cho môi trường như yêu cầu của quy định hiện hành hay không.
Về thu NSNN, dự toán thu NSNN năm 2022 đã thận trọng hơn khi dự báo tổng thu cân đối NSNN 2022 chỉ tăng so với ước thực hiện 2021 có 3,4%. Các khoản thu chính được dự toán với sự thận trọng khi thu từ sử dụng đất giảm so 4% so với cùng kỳ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 5,1% so với số ước thực hiện 2021 và số thu từ dầu thô giảm đi. Trong trường hợp thu NSNN không tăng thu như kế hoạch hoặc nhu cầu chi tăng mạng thì cần có kịch bản và biện pháp để xử lý.
Về chi NSNN, dự toán chi NSNN năm 2022 đã cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh dù còn chưa thực sự rõ nét. Chi thường xuyên tăng 5,1% so với dự toán năm 2021 với tăng chi cho một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới là cần thiết và hợp lý.