Qua nhiều lần được điều chỉnh, mức lương tối thiểu vẫn thể hiện sự lạc hậu, ì ạch chạy theo mặt bằng giá tiền công, tiền lương trên thị trường lao động. Vấn đề nhạy cảm này đang được dư luận và các chuyên gia tiền lương bàn thảo, với nhiều ý kiến khác nhau. Vậy điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng theo hướng nào hợp lý và mang lại hiệu quả kích thích sản xuất, tăng năng suất lao động?
Sau khi Bộ LĐTB-XH tổ chức lấy ý kiến góp ý điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp, nhiều ý kiến trong ngành đồng tình với mức lương dự kiến theo các vùng từ 1,4 đến 1,9 triệu đồng (tăng từ 500.000 đồng đến 570.000 đồng đối với doanh nghiệp trong nước và từ 300.000 đồng đến 380.000 đồng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI). Sở LĐTB-XH TPHCM đồng ý với mức cao nhất (vùng 1) là 1,9 triệu đồng/tháng.
Tuy mức LTT dự kiến được điều chỉnh đã tăng lên 30% - 40% so với hiện tại nhưng dư luận nói chung và người lao động ở các doanh nghiệp nói riêng vẫn cho rằng mức này chưa đáp ứng nhu cầu, mức sống tối thiểu của người lao động. Vậy đâu là cơ sở thực tiễn và khoa học khi đưa ra mức LTT sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cải cách tiền lương mà Chính phủ đã đặt ra?
Theo khảo sát riêng của phóng viên Báo SGGP, mức chi phí tối thiểu của một lao động độc thân ở TPHCM khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Trong đó chi cho tiền ăn khoảng 1.200.000 đồng, tiền ở 400.000 - 500.000 đồng, tiền đi lại 200.000 đồng, chi phí sinh hoạt thiết yếu, đồ dùng cá nhân như dầu tắm, dầu gội đầu 200.000 đồng, chi phí vui chơi giải trí 200.000 đồng và nhiều khoản chi phí phát sinh khác…
Xuất phát từ thực tế này, nhiều chuyên gia về lao động, tiền lương cho rằng Bộ LĐTB-XH phải tiến hành khảo sát thực tế về mức sống, giá cả sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu, cơ bản của một người lao động. Nhu cầu thiết yếu để duy trì cuộc sống, tái tạo sức lao động trong vòng 1 tháng và ở từng vùng khác nhau phải thể hiện chi tiết gồm bao nhiêu khoản liên quan đến chi phí ăn, ở, mặc, đi lại, nuôi con, chi tiêu hàng ngày…
Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung TPHCM, cho biết: “Kể cả khoản tiền làm tăng ca, mỗi tháng tôi được lĩnh khoảng 4 triệu đồng. Thế nhưng, tôi phải nuôi một con nhỏ, trả chi phí nhà trọ, ăn ở, sinh hoạt phí, kể cả tiền gởi con ở nhà trẻ nên chẳng còn dư đồng nào”. Rất nhiều công nhân ở các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM đều cho rằng họ đang được trả tiền lương hàng tháng khoảng 3 - 4 triệu đồng nhưng chỉ đủ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu nhất, thậm chí không dám chi cho nhu cầu vui chơi giải trí.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng trả thu nhập cho người lao động cao hơn mức LTT. Ngược lại, cũng có không ít doanh nghiệp chỉ trả tiền lương chạm mức LTT hoặc cao hơn một chút. Đây chính là vấn đề phải xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo khi đưa ra mức “sàn” để khi vận hành LTT không bị lạc hậu, tạo sự bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Dù có một số ý kiến khác nhau trong việc hợp nhất một mức LTT nhưng nhiều chuyên gia tiền lương vẫn giữ quan điểm chỉ nên quy định mức LTT chung cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bởi lẽ, sự công bằng trong trả lương, thu nhập sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về thu hút, sử dụng lao động. Vì vậy, để mức LTT đưa ra áp dụng không bị khập khiễng và “hụt hơi” khi chạy theo giá nhân lực thị trường, mỗi địa phương cần khảo sát kỹ về đời sống, mức sống và nhu cầu tối thiểu của người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu vực sản xuất trong nước. Trên cơ sở khảo sát mang tính sâu rộng đối với từng vùng, địa phương trong cả nước, Bộ LĐTB-XH mới có thể đưa ra mức LTT dự kiến điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, có cơ sở khoa học.
HÀ KHANH