Điều chỉnh tỷ giá USD: Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Thị trường chưa có biến động lớn

Kể từ hôm qua (11-2), Ngân hàng Nhà nước đã quyết định áp dụng tỷ giá mới giữa USD và VND. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng điều chỉnh từ mức 17.941 đồng/USD lên 18.544 đồng/USD, tăng khoảng 3,3%.

Như vậy, với biên độ tỷ giá hiện nay là ±3%, tỷ giá giao dịch tối đa mà các tổ chức tín dụng được áp dụng là 19.100 đồng/USD. Theo Ngân hàng Nhà nước, mục đích của việc điều chỉnh tỷ giá là nhằm cân đối hài hòa cung - cầu ngoại tệ đã góp phần kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô. Báo SGGP ghi nhận các ý kiến của giới ngân hàng và chuyên gia về chủ trương trên.

  • PGS-TS Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa Ngân hàng - Trường ĐH Kinh tế TPHCM: Loại trừ dần cơ chế hai giá

Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lần này là điều tất yếu, nằm trong dự báo của các chuyên gia. Điều này sẽ giúp thị trường ngoại hối tránh được hiện tượng 2 giá; đồng VND được định giá gần với giá trị thực (giá thị trường) hơn.

Tất nhiên, với tỷ giá mới tăng lên doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp ít nhiều khó khăn do phải bỏ ra nhiều tiền (VND) hơn để mua USD thanh toán. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có khoản vay bằng ngoại tệ cũng khá căng thẳng khi tiền vay sẽ tăng trong lúc chưa có thời gian để thực hiện các nghiệp vụ phái sinh cho khoản vay này. Tuy nhiên, mặt tích cực vẫn nhiều hơn. Các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ mua được nhiều USD hơn, từ đó nguồn cung USD của các NHTM sẽ tăng lên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và cân đối ngoại hối sẽ tốt hơn.

  • TS Hồ Diệu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM: Nhập siêu sẽ giảm

Lâu nay tỷ giá VND/USD giữa các thị trường ở nước ta chênh lệch khá lớn, gây mất ổn định thị trường ngoại hối. Do đó, khi tỷ giá tăng và lãi suất tiền gởi giảm doanh nghiệp sẽ bán USD cho NHTM nhiều hơn vì thấy có lợi hơn so với việc găm giữ ngoại tệ. Các NHTM cũng dễ mua được USD hơn, sẽ hỗ trợ và đáp ứng tốt hơn cho hoạt động nhập khẩu.

Tuy vậy, cái được lớn nhất đối với tổng thể nền kinh tế khi tỷ giá tăng là khuyến khích được xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và cán cân thương mại sẽ đạt trạng thái có lợi cho việc ổn định kinh tế vĩ mô nước ta.

  • Trương Văn Huỳnh, Phó Tổng giám đốc Baoviet Bank: Mua bán USD của các ngân hàng sẽ sôi động hơn

Rõ ràng việc điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến giá USD tiến gần đến giá trị thị trường hơn, sẽ giúp giảm thiểu hiện tượng găm giữ USD, tháo gỡ phần nào tình trạng thiếu USD.

Việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ giúp các NHTM giảm bớt khó khăn trong việc huy động USD tài trợ nhu cầu xuất khẩu, đồng thời cải thiện mất cân đối nguồn ngoại tệ giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen.

  • Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng giám đốc ABBank: Nguồn cung ngoại tệ sẽ tăng

NHNN tăng tỷ giá là điều khá bất ngờ, hơi sớm so với kỳ vọng của các NHTM. Tỷ giá USD tiệm cận giá thị trường cùng việc ép lãi suất tiền gởi USD xuống sẽ khuyến khích doanh nghiệp bán USD cho NHTM. Do vậy, trong thời gian tới nguồn cung ngoại tệ của các NHTM sẽ tăng. Các doanh nghiệp xuất khẩu đương nhiên sẽ hưởng lợi nhiều; các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp khó khăn nhưng không đáng ngại do cung ngoại tệ tăng, tỷ giá ít chênh lệch. Lãi suất cho vay USD nhiều khả năng sẽ ít biến động.

Thị trường chưa có biến động lớn

Trong ngày đầu tiên NHNN áp dụng tỷ giá mới, hầu hết các NHTM đã điều chỉnh tăng dần giá mua và bán USD. Tại Eximbank, tỷ giá giao dịch: mua vào 18.600 đồng, bán ra 19.100 đồng, tăng 125 đồng (mua) và 621 đồng/USD (bán) so với ngày 10-2; tương tự Vietcombank là 18.600 - 19.000 đồng; ABBank là 19.000 - 19.100 đồng…

Trên thị trường tự do, từ trưa ngày 11-2, giá USD cũng đã nhích dần lên theo giá của các NHTM, xoay quanh mức 19.500 - 19.600 đồng/USD, tăng 300 - 400 đồng so với ngày 10-2. Hiện khoảng cách giữa giá trong ngân hàng và ngoài “chợ đen” chỉ còn trên 300 đồng (các ngày trước là 1.000 đồng). Theo nhiều NHTM lớn, hoạt động mua bán, giao dịch ngoại tệ vẫn bình thường.

H.Liêm - H.Yên

Tin cùng chuyên mục