Iraq tiếp tục phải hứng chịu làn sóng bạo lực mà mới nhất là vụ đánh bom liều chết tại một thị trấn cách thủ đô Baghdad 50km về phía Nam làm hơn 100 người thương vong. Theo mạng tin ipolitics.ca, nguy hiểm ở chỗ mục tiêu của các cuộc tấn công hiện nay không còn là những cơ quan chính phủ mà là dân thường.
Phần lớn các cuộc tấn công do mạng lưới khủng bố al-Qaeda tiến hành với tuyên bố thúc đẩy một cuộc nội chiến tại Iraq. Theo nhiều chuyên gia, việc al-Qaeda nhằm vào các khu chợ, tiệm cà phê hay thánh đường Hồi giáo không gì khác ngoài chứng tỏ với người dân Iraq sự bất lực của các lực lượng an ninh chính phủ trong việc đảm bảo an ninh.
Một số quan chức chính phủ Iraq còn cho hay, đứng đằng sau các cuộc tấn công có thể bao gồm cả cựu thành viên đảng Baath và các cường quốc trong khu vực, những nhân tố tìm cách gây bất ổn chính phủ Baghdad do người Shi’ite đứng đầu. Ý đồ làm rối loạn Iraq của các lực lượng chống phá dường như đang đạt được những “thành quả” nhất định khi ngày càng nhiều người dân sợ tình hình tiếp tục xấu đi đã quyết định di dân. Từ năm 2003 đến nay, hơn 2 triệu người Iraq đã rời bỏ đất nước, hàng trăm ngàn người tha hương không thể quay về nhà.
Lúc này, các chính đảng Iraq đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 7-2014. Bản thân Thủ tướng Maliki cũng sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ. Nhưng dân lầm than dẫn đến tình hình chính trường của Iraq cũng nổi sóng. Cao trào biểu tình đã làm rung chuyển chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki trong những tuần gần đây.
Điều đáng nói là làn sóng phản kháng này lại xảy ra trong các khu vực của người Hồi giáo dòng Shi’ite. Sự giận dữ của người dân xuất phát từ việc chính phủ người Shi’ite của ông Maliki không giải quyết được tình trạng mất điện kinh niên, khiến người dân phải đối mặt với mùa hè nóng bức. Ban đầu, quy mô biểu tình khá nhỏ, nhưng các khẩu hiệu biểu tình lại rất đáng lo ngại, chỉ trích liên minh nhà nước pháp quyền của ông Maliki.
Trong suốt mùa hè vừa qua, làn sóng biểu tình đã lan rộng tới tỉnh Basra và các khu vực ở miền Nam Iraq, với quy mô lớn. Không bỏ lỡ cơ hội này, lãnh đạo người Sunni đối lập cũng kêu gọi người Hồi giáo dòng Sunni tiếp tục đẩy mạnh các cuộc biểu tình phản đối các chính sách kinh tế của chính phủ, tình trạng tham nhũng tràn lan… vốn thu hút được sự quan tâm của dư luận quốc tế từ đầu năm tới nay.
Với bối cảnh xã hội Iraq đang rối ren như hiện này, giới quan sát cho rằng ý định của ông Maliki cầm chắc thất bại. Chưa thể biết các cuộc biểu tình hiện nay của người Shi’ite có thể lan rộng đến đâu, nhưng có thể khẳng định rằng chính quyền của ông Maliki khó có thể đối phó với làn sóng biểu tình có quy mô lớn, nhất là trong bối cảnh an ninh tại xứ ngàn lẻ một đêm ngày một tồi tệ.
Một chính sách hợp lý đáp ứng được cả nhu cầu an dân sẽ là điều kiện cần nhất giúp chính phủ trung ương vốn đang bị lung lay hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ bị nhấn chìm bởi biểu tình và bạo lực như hiện nay.
ĐỖ CAO