Điều người dân muốn

Gần giống như một lời tự thú, Tổng thống Mỹ B.Obama trong lúc ở Jakarta (Indonesia) đã thừa nhận “Cho dù Israel và Palestine đã có những cuộc gặp gỡ trực tiếp nhưng còn rất nhiều trở ngại trên con đường tìm kiếm hòa bình Trung Đông. Chúng ta đã sai ngay từ khi bắt đầu”. Trong khi đó, tại Trung Đông, Israel thẳng thừng bác bỏ việc ngừng xây dựng các căn hộ mới tại khu vực Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Động thái mới nhất của Israel bị Anh, Nga, Mỹ, EU, LHQ… đánh giá là thực sự đáng thất vọng!

Còn nhớ, khi cuộc thương lượng trực tiếp giữa hai bên nhằm tìm kiếm sự khởi đầu cho một tiến trình hòa bình mới trong khu vực được nối lại vào đầu tháng 9, dư luận bán tín bán nghi về hiệu quả. Đàm phán mới nhất đó được nối lại dưới sự bảo trợ của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama được xem là người chứng tỏ thiện chí tốt hơn người tiền nhiệm George Bush, người theo chủ nghĩa tân bảo thủ chỉ bênh vực cho Israel mà không thừa nhận Palestine. Còn ông Obama đã thuyết phục thành công Israel tạm thời đình chỉ việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái trên các phần lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng cho tới tận cuối tháng 9-2010.

Nhưng vì Israel cương quyết xây tiếp khu định cư, hòa đàm nhanh chóng rơi vào bế tắc. Trước đây Israel và Palestine đã có nhiều cuộc thương thuyết nhưng kết cuộc cũng không đi đến đâu. Israel chiếm đóng Đông Jerusalem và khu Bờ Tây trong cuộc chiến tranh năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô “vĩnh viễn và không thể chia cắt của mình”, trong khi Palestine khẳng định Đông Jerusalem phải là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Quy chế cuối cùng đối với vùng đất này là một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên.

Cho đến tận năm 2000, Israel và Palestine mới nối lại các cuộc đàm phán nhưng mỗi lần gặp nhau lại là một lần thất bại. Ngoài đường biên lãnh thổ, việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine sẽ không bao giờ được giải quyết một cách triệt để nếu còn vướng vấn đề người tỵ nạn Palestine ở Lebanon, vấn đề các khu định cư Do Thái và người Do Thái trong vùng sẽ được trao trả cho Palestine.

Tuy nhiên, có vẻ các bên đang tập trung quá vào vấn đề bạo lực, chú trọng tới chính trị, ngoại giao mà quên đi một thực tế, hiện nay nhiều người dân Do Thái và Palestine ở dải Gaza khó tiếp xúc được với nhau, họ không thể gặp gỡ nhau một cách hợp pháp, chính thức.

Mặc dù vậy vẫn có nhiều nỗ lực từ phía các tổ chức của người Do Thái và Palestine. Hàng trăm tổ chức hoạt động để giúp cho việc giao lưu giữa người dân hai nước được thực hiện, kể cả các tổ chức bất bạo động ở Palestine cũng tham gia công cuộc này. Trên các trang web, rất nhiều người dân cam kết vượt qua cuộc xung đột bằng đối thoại, kết nối mạng, phản ánh, phát triển các dự án chung… để chung sống.

Sự chấm dứt xung đột Israel-Palestine là chìa khóa để tiến tới phát triển khu vực Trung Đông cả an ninh lẫn kinh tế. Một nền hòa bình bền vững dựa trên sự phân chia hợp lý và công bằng về lãnh thổ là điều mà cả người dân Israel lẫn Palestine đều mong muốn. 

HÀ TRANG

Tin cùng chuyên mục