Điều phối thuốc giải độc Botulinum vào phía Nam

Liên quan tới vụ việc pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum khiến một số người bị ngộ độc nặng, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết các bác sĩ vừa hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện, lựa chọn chỉ định theo tình trạng của bệnh nhân, nhằm điều phối thuốc kháng độc tố Botulinum từ Hà Nội (do Tổ chức Y tế thế giới viện trợ) vào các tỉnh, thành phía Nam.
Thuốc giải độc tố Botulinum
Thuốc giải độc tố Botulinum

 Trong đó, 6 lọ thuốc đã được điều phối cho 6 bệnh nhân nặng ở phía Nam. Theo phác đồ điều trị, các bệnh nhân nhẹ hơn không phải dùng thuốc và số thuốc còn lại sẽ được dự trữ cho các bệnh nhân sắp tới.

Ngay khi về tới TPHCM, các loại thuốc giải độc được giao cho đơn vị quản lý dược của Bệnh viện Nhân dân 115 để kịp thời chuyển đến các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết, đơn vị đã tiếp nhận một liều thuốc giải độc tố Botulinum do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ cho Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân nặng. “Ngay sau khi nhận được thuốc, Khoa Bệnh nhiệt đới đã truyền thuốc cho bệnh nhân N.N.D. (54 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phải thở máy và đang tiếp tục theo dõi sau truyền thuốc”, bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết.

Để nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum, Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulinum. Thời gian thở máy của bệnh nhân cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng hồi phục. Bộ Y tế đề nghị người dân chủ động chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận; thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (như sữa chua không còn vị chua bình thường)…

Lực lượng chức năng tại 30 quận huyện của Hà Nội cũng đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm chay, siêu thị, chuỗi nhà hàng chay. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, qua kiểm tra 93/126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện và xử lý 14 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là không xuất trình được bản tự công bố sản phẩm, điều kiện bảo quản thực phẩm chưa bảo đảm theo quy định. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị UBND quận huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát và thông báo đến khách hàng không sử dụng những sản phẩm thực phẩm của Công ty Lối Sống Mới đã mua…

Tin cùng chuyên mục