Việc đó đã tạo sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông TPHCM. Để giải quyết, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), TPHCM và các cơ quan liên quan đã có kế hoạch điều tiết dòng hàng ra vào cảng hợp, hiệu quả hơn.
Nhiều lợi thế ở khu cảng Cát Lái
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua khu cảng biển Cát Lái liên tục tăng (năm 2016 đạt 47 triệu tấn, năm 2017 trên 56 triệu tấn), dẫn đến lưu lượng phương tiện đường bộ ra vào cảng tăng theo. Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, trung bình mỗi ngày có 19.775 lượt ô tô (có ngày lên đến 26.000 lượt) ra vào cảng (tăng 14% so với cùng kỳ).
Có một thực tế, khu cảng Cát Lái đã quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nhưng hầu hết các chủ hàng tại khu vực Đồng Nai, Long An vẫn “bám trụ” giao nhận hàng bằng đường bộ qua cảng này mà không về các khu cảng khác như Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè - TPHCM, Cái Mép Thị Vải (CMTV) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lý giải hiện tượng này, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, do chi phí giao hàng bằng đường bộ trực tiếp từ khu cảng CMTV hiện cao hơn gấp đôi với khoảng 5 triệu đồng/container, so với chỉ 2,4 triệu đồng/container nếu hàng đi từ Cát Lái. Tại khu CMTV chưa có văn phòng đại diện của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành như kiểm dịch động vật, thực vật, y tế, giám định chất lượng sản phẩm... Vì vậy, mỗi lần kiểm tra hàng, các đơn vị ở đây phải lấy mẫu sản phẩm gửi về các phòng thí nghiệm tại TPHCM để thực hiện; doanh nghiệp phải chờ 3 - 5 ngày mới có kết quả để được thông quan hàng hóa. Các hãng tàu - đại lý cũng phần lớn tập trung tại TPHCM nên các doanh nghiệp gửi hàng đến CMTV lại phải mất thêm thời gian di chuyển, làm thủ tục. Thời gian nhận hàng vì thế bị kéo dài, kéo theo phát sinh chi phí lưu kho bãi. Chưa hết, tại CMTV thường thiếu các kho container rỗng nên khi doanh nghiệp giao nhận hàng trực tiếp tại đây sẽ phải đi lấy container rỗng tại TPHCM, Bình Dương hay Long An. Tính cả chi phí đi lấy và chi phí trả container về, sẽ làm tăng thêm khoảng 50% so với giao nhận hàng tại cảng Cát Lái.
Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ logistics Việt Nam bị chi phối bởi các công ty đa quốc gia có bề dày kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ và nguồn lực kinh tế, nên việc phân phối hàng đến cảng nào thường do chủ tàu quyết định. Cảng Cát Lái có ưu điểm về vị trí địa lý, gần nguồn hàng và các cơ quan quản lý nhà nước (các bộ ngành tập trung nhiều ở TPHCM hơn Bà Rịa - Vũng Tàu), chất lượng dịch vụ tốt, giá thành hợp lý, vì vậy các hãng tàu lớn đều đưa tàu về cảng này. Mặc dù khu cảng CMTV có tuyến đi thẳng châu Âu - Mỹ, nhưng mỗi tuần chỉ có 2 chuyến tàu trên mỗi tuyến. Trong khi đó, cảng Cát Lái hàng tuần có 60 - 70 chuyến tàu đi khắp châu Á nên chủ tàu - chủ hàng có nhiều phương án lựa chọn hơn. Vì nhiều lý do, mà chủ yếu do khách hàng nhiều, nên chi phí, giá cước vận chuyển hàng tại khu cảng Cát Lái cũng thấp hơn so với CMTV.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, các giải pháp hiện nay chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn. Các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp trung và dài hạn, như phân phối hàng hóa về khu vực có các bến cảng thủy nội địa vận tải bằng sà lan, qua đó giảm thiểu tối đa việc rút hàng bằng đường bộ từ cảng Cát Lái đối với hàng vận chuyển bằng sà lan từ CMTV về Cát Lái. Muốn giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực cảng Cát Lái, nên sớm điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP và tích hợp các quy hoạch ngành có liên quan gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch cảng biển trong toàn vùng; phát triển đồng bộ các loại hình giao thông kết nối, trong đó có đường sắt, đường thủy nội địa để giảm áp lực cho giao thông đường bộ, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ để thực hiện đúng quy hoạch. |
Mặt trái của những lợi thế nêu trên là khu vực cảng Cát Lái là một trong những điểm đen về giao thông của TPHCM. Để giảm áp lực giao thông khu vực cảng Cát Lái cũng như hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất phân luồng điều tiết hàng hóa một cách hợp lý, tránh trung chuyển quá nhiều qua cảng Cát Lái bằng đường bộ. Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị sử dụng phương tiện thủy nội địa để giao nhận hàng. Cụ thể, luồng hàng hóa từ Đồng Nai, Hiệp Phước (TPHCM), Long An sẽ được vận chuyển bằng đường thủy nội địa đến và đi các bến cảng, ICD tại khu vực Đồng Nai, Hiệp Phước (TPHCM), Long An. Luồng hàng hóa về khu vực miền Tây Nam bộ và ngược lại sẽ được vận chuyển bằng đường thủy nội địa từ Cát Lái đến và đi bến cảng, ICD tại khu vực miền Tây Nam bộ. Giới hạn lượng hàng hóa ở mức 81 chuyến/tuần và không tăng kích cỡ tàu tại cảng Cát Lái (bao gồm cảng Bến Nghé, Phú Hữu). Cục Hàng hải cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Kiểm dịch động vật, Cục Kiểm dịch thực vật bố trí lực lượng kiểm tra chuyên ngành thường trực tại các cảng CMTV. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan Việt Nam lắp đặt thiết bị soi chiếu hải quan tại cảng này. Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cục Hải quan TPHCM, Vũng Tàu hướng dẫn, tạo cơ chế thuận lợi cho các chủ hàng làm thủ tục thông quan, nhận hàng trực tiếp tại CMTV, Hiệp Phước hoặc bến cảng trong khu vực. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính giảm giá các trạm thu phí dọc quốc lộ 51 cho các xe chờ hàng đến và đi tại cảng CMTV về các khu công nghiệp, nhà máy thuộc Bình Dương và Đồng Nai. Áp dụng chính sách ưu đãi về phí hàng hải (tàu trọng tải dưới 50.000DWT) để khuyến khích tàu ghé CMTV, phát triển cụm cảng CMTV thực sự trở thành cảng “đầu mối” trung chuyển quốc tế với các tuyến dịch vụ phong phú để khách hàng có nhiều sự lựa chọn.
Về phía cảng Cát Lái, Giám đốc Điều độ cảng Nguyễn Phương Nam cho biết, cảng phối hợp Sở GTVT TPHCM cùng các đơn vị liên quan thành lập tổ công tác thực hiện các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực cảng. Cụ thể, tổ công tác cùng lực lượng hải quan làm việc trực tiếp với khách hàng ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa hàng về cảng CMTV. Song song đó, Tân Cảng triển khai nhiều chính sách ưu đãi để thu hút khách hàng về cảng CMTV như miễn giảm phí bốc xếp hàng, hỗ trợ khách hàng các thủ tục hải quan...
Khi “thị trường - tự điều tiết” thất bại… TÂM ĐỨC |