Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng, về kết quả điều tra nguyên nhân các vụ cháy nổ xe thời gian qua – một vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
* Phóng viên: Với tư cách là một chuyên gia hóa học, bà nhận định như thế nào về kết quả nghiên cứu do Sở KH-CN TPHCM công bố, theo đó xăng kém chất lượng là thủ phạm chính của các vụ cháy nổ xe vừa qua?
* Bà BÙI THỊ AN: Tôi cho rằng đây là một lý giải khá thuyết phục và có thể nói TPHCM đã đi trước một bước so với các cơ quan liên ngành. Xăng A92 được pha chế thêm 5% - 10% methanol có thể làm già hóa polymer, dẫn đến hiện tượng xơ cứng các loại dây dẫn, gây rò rỉ nhiên liệu. Từ đó, nếu tiếp xúc với nguồn nhiệt, việc cháy nổ dễ dàng xảy ra. Mặt khác, người kinh doanh xăng dầu có động cơ để làm việc này, vì sau khi pha thêm methanol nó “trở thành” xăng A95 và được bán với giá cao hơn (theo nghiên cứu của Sở KH-CN TPHCM, cứ mỗi lít xăng có pha chế 5% methanol sẽ mang lại lợi nhuận 6.000 đồng cho người bán hàng).
* Trước đó, ngày 26-4, kết quả điều tra do liên bộ Công an, GTVT, KH-CN, Công thương công bố không nêu đích danh xăng dầu kém chất lượng là thủ phạm gây ra cháy nổ. Bà có bình luận gì?
* Thứ nhất, tôi cho rằng việc xác định nguyên nhân cháy nổ tuy khó nhưng không phải là không làm được. Định hướng nghiên cứu tập trung vào xăng dầu cũng đã được các nhà khoa học nêu ra từ trước đó, nhưng không hiểu vì sao không được quan tâm thích đáng. Tại sao không mời các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các phòng thí nghiệm tham gia nghiên cứu độc lập để sớm có kết quả khách quan? Phải làm cho bằng được, chứ giải thích loanh quanh kiểu “cháy xe do chập điện, do tai nạn giao thông” thì không hề thuyết phục một chút nào! Và như vậy cũng không chỉ ra được nguyên nhân sâu xa của việc này để có giải pháp quản lý, biện pháp phòng tránh thích hợp. Dù rằng sau buổi công bố đó thì khi trả lời trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cũng có đề cập đến xăng dầu kém chất lượng là nguyên nhân gián tiếp gây cháy xe cơ giới.
* Liệu có hay không tác động của những nhóm lợi ích, ví dụ như các đơn vị kinh doanh xăng dầu, trong việc né tránh, hay nói cách khác là “làm mờ” nguyên nhân sâu xa gây cháy xe là xăng kém chất lượng?
* Điều này không khó để cử tri cả nước nhận ra. Ít nhất là việc để cho một số đại diện cơ quan kinh doanh xăng dầu đứng lên phủ định chuyện xăng dầu kém chất lượng là không hay.
* Vậy theo bà, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới các cơ quan quản lý cần có giải pháp gì?
* Xây dựng các quy định chặt chẽ từ khâu nhập khẩu xăng dầu cho đến vận chuyển, lưu thông xăng dầu. Đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đến khâu cuối cùng, tức là cho đến khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, chứ không thể nói là “xăng dầu trong bể của tôi thì tốt” là đủ! Đồng thời phải chế tài mạnh hơn nữa đối với hành vi gian lận về chất lượng xăng dầu. Việc này không gây chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn đe dọa tính mạng, sức khỏe và ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến một số lượng đông đảo người tiêu dùng.
* Cảm ơn bà.
ANH THƯ thực hiện