Dinh dưỡng điều trị - Bao giờ mới được nhìn nhận đúng mức?

Có vai trò quan trọng đối với kết quả điều trị, thế nhưng hiện nay, chế độ dinh dưỡng ở các bệnh viện vẫn để ngỏ, cho bệnh nhân tự chủ ăn uống. Ngoài chuyện chưa có khoa chuyên biệt, vẫn còn nhiều chuyện bất cập như bác sĩ điều trị thiếu kinh nghiệm và BHYT chưa có chính sách hỗ trợ những trường hợp cần thiết.
Dinh dưỡng điều trị - Bao giờ mới được nhìn nhận đúng mức?

Có vai trò quan trọng đối với kết quả điều trị, thế nhưng hiện nay, chế độ dinh dưỡng ở các bệnh viện vẫn để ngỏ, cho bệnh nhân tự chủ ăn uống. Ngoài chuyện chưa có khoa chuyên biệt, vẫn còn nhiều chuyện bất cập như bác sĩ điều trị thiếu kinh nghiệm và BHYT chưa có chính sách hỗ trợ những trường hợp cần thiết.
 

  • Nhiều nguy cơ

Sau khi thấy lông mày, tóc rụng bất thường và sức khỏe đột ngột giảm sút, anh N.Đ.H. tới bệnh viện khám mới biết mình bị ung thư trực tràng đã di căn. Tuy nhiên, thay vì dùng thuốc và phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ, anh N.Đ.H. lại nghe theo lời của một số người thiếu hiểu biết bày cho phương pháp nhịn ăn, ăn gạo lức muối vừng... với hy vọng bỏ đói khối u khiến nó chậm phát triển hoặc chết. Kết quả là một tháng sau, anh N.Đ.H. tử vong vì suy kiệt sức khỏe dù mới 24 tuổi.

Không có kết cục buồn như vậy nhưng bệnh nhân N.V.Đ. (52 tuổi) cũng phải trải qua một phen thập tử nhất sinh vì thiếu dinh dưỡng trong quá trình điều trị. Bị đa chấn thương do tai nạn giao thông, anh được chuyển vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và phẫu thuật điều trị. Tuy nhiên, do thiếu quan tâm chế độ dinh dưỡng, sau một tuần được phẫu thuật, anh bị sụt 4kg thể trọng, abumin trong máu giảm xuống còn 2,8g/dl, lượng dịch rò rỉ lên tới 1.000ml. Rất may, các bác sĩ bệnh viện tỉnh và gia đình chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy kịp thời để can thiệp. Cùng với các biện pháp điều trị như kháng sinh, dẫn lưu, cân bằng nước điện giải…, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã có biện pháp bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân bằng cách nuôi ăn bằng tĩnh mạch phối hợp với nuôi ăn bằng đường ruột. Sau 3 tuần, sức khỏe bệnh nhân N.V.Đ. ổn định, bệnh nhân tăng 3kg và xuất viện.

Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng lâm sàng TPHCM, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, khi bị suy dinh dưỡng, nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng, các biến chứng hậu phẫu tăng, thời gian nằm viện dài hơn, chi phí điều trị sẽ tăng. Cho nên, trong những trường hợp cụ thể, việc sử dụng dinh dưỡng đường tĩnh mạch, qua đường ruột bằng ống thông với những sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt sẽ góp phần cải thiện chất lượng điều trị và tăng thêm cơ hội phục hồi cho những bệnh nhân nặng.

Kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cho thấy có nhiều yếu tố dẫn tới biến chứng nhiễm trùng sau mổ, trong đó có yếu tố liên quan đến vấn đề dinh dưỡng với biến chứng nhẹ và nặng lần lượt là 6,6% và 17,8%. Trong phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư, tỷ lệ biến chứng còn cao hơn, tới 25% và 31%.

  • Khoa học điều trị

Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, không thể đơn giản hóa và xem vấn đề dinh dưỡng điều trị giống như dinh dưỡng bình thường. Hiện có rất nhiều bệnh viện ở nước ta chưa có khoa dinh dưỡng, đội ngũ y bác sĩ còn thiếu kinh nghiệm về dinh dưỡng và nhất là chưa có chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh nặng. Điều đáng buồn là BHYT hiện chỉ chi trả việc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch vì nó được xếp vào danh mục thuốc như đạm, dịch truyền, trong khi sữa đặc biệt thì không.

So sánh cho thấy, một chai đạm, dịch truyền có giá từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng nhưng chỉ cung cấp được 100 đến 200 kcal. Trong khi đó, nếu nuôi bằng sữa đặc biệt với giá chỉ 20.000 đồng/ngày có thể cung cấp từ 300 đến 500 kcal/ngày. Ngoài ra trong sữa còn có nhiều vi chất dinh dưỡng, đạm chất béo, cũng như các vitamin, khoáng chất khác. Như vậy, rõ ràng việc nuôi ăn theo chế độ dinh dưỡng điều trị theo đường ruột có lợi hơn hẳn nuôi ăn tĩnh mạch cả về kinh tế lẫn hiệu quả điều trị. Từ đó, ông Tâm khẳng định: “Đây là vấn đề khoa học, khoa học điều trị chứ không đơn thuần là ăn. Dinh dưỡng điều trị giải quyết rất nhiều vấn đề, an sinh xã hội, công bằng xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, tính nhân văn, tính khoa học điều trị”.

TS-BS Lưu Ngân Tâm cho rằng, BHYT hoặc là hỗ trợ phần giá thành chênh lệch giữa bữa ăn bình thường với chế độ dinh dưỡng điều trị như cách làm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới; hoặc BHYT nên tính vào chi phí khi bán bảo hiểm để có thể chi trả điều trị trọn gói cho bệnh nhân bao gồm cả điều trị lẫn dinh dưỡng. Như vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí điều trị và thời gian nằm viện cho người bệnh. Điều này không chỉ có lợi cho người bệnh mà bác sĩ, bệnh viện cũng đỡ hơn trong quá trình công tác giảm tải. Bảo hiểm cũng nhẹ gánh chi phí điều trị.

Nhân viên dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 hướng dẫn chế biến thức ăn dinh dưỡng cho các bà mẹ. Ảnh: Mai Hải

Nhân viên dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 hướng dẫn chế biến thức ăn dinh dưỡng cho các bà mẹ. Ảnh: Mai Hải

TS-BS Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh có vấn đề về bệnh lý. Đối với trẻ sinh non thiếu tháng, nhẹ cân thì dinh dưỡng (sữa đặc biệt) đóng vai trò tối quan trọng. Nếu chỉ cho trẻ ăn sữa bình thường có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như còi cọc, chậm phát triển về hình thể, trí não kém thông minh.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục