Hôm nay 4-10, lễ kỷ niệm 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Trong 30 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực sự đã đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20-9-2018, cả nước có 26.646 dự án có vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD. Chỉ tính 5 năm trở lại đây (từ năm 2013 đến tháng 9-2018), Việt Nam đã thu hút được hơn 150 tỷ USD vốn FDI, chiếm gần 45% tổng vốn FDI thu hút được 30 năm qua. Điều này cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như trong thực hiện chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI trong giai đoạn mới, thể hiện cụ thể trong Nghị quyết số 103/2013/NQ-CP của Chính phủ.
Nghị quyết 103 thể hiện rõ phương châm thu hút FDI không chạy theo số lượng mà ưu tiên chọn lựa các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia. Các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Ngược lại, hạn chế thu hút các dự án đầu tư làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến; không cấp phép đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Kết quả là từ một nước nhập siêu lớn, Việt Nam đã bắt đầu xuất siêu từ năm 2012 và trong 9 tháng đầu năm nay đã xuất siêu tới 5,39 tỷ USD. Ở khía cạnh xã hội, khu vực này tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gần 5 triệu việc làm gián tiếp… Chất lượng lao động được cải thiện mạnh mẽ, với sự hình thành và phát triển đội ngũ lao động có kỹ năng, từ công nhân lành nghề, kỹ sư công nghiệp cho đến chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản trị doanh nghiệp…
Nhưng, như chính Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, một số định hướng chiến lược thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng và tổng kết 30 năm thu hút FDI, chính là dịp để điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm khắc phục những tồn tại và thích ứng tốt hơn với những thay đổi nhanh chóng, cả trên phạm vi toàn cầu, khu vực và trong nước.
Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, lượng vốn giải ngân nói chung vẫn còn thấp xa so với vốn đăng ký. Trong suốt 3 thập kỷ qua, mới có hơn một nửa vốn đăng ký (tính lũy kế) được giải ngân, nghĩa là vẫn còn tới hàng trăm tỷ USD “treo” lơ lửng. Hàng loạt dự án “khủng” đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy như: dự án Saigon Atlantis Hotel: vốn đăng ký 4,1 tỷ USD; dự án Hóa dầu Long Sơn: 4,5 tỷ USD; dự án thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya: vốn đầu tư 2 tỷ USD; dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế: 3,5 tỷ USD…
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề nghị phân những dự án “bánh vẽ” kiểu này thành 3 nhóm để có giải pháp xử lý phù hợp. Loại thứ nhất là chủ đầu tư chắc chắn đã ngừng kinh doanh, loại thứ 2 là chủ đầu tư có vấn đề, các địa phương xem xét cân nhắc xem họ còn khó khăn không và thứ 3 là loại còn khả năng thực hiện. Với nhóm 3 và nhóm 2 thì nên giao cho Sở KH-ĐT địa phương làm việc với các chủ đầu tư để giải quyết, đưa vào thực hiện hoặc thu hồi dứt điểm. Nhóm thứ nhất thì nhất định cần thu hồi, xóa tên, để không làm sai lệch bức tranh kinh tế - xã hội và méo mó chính sách. Trong tương lai, để sớm lọc được các nhà đầu tư thuộc loại “thùng rỗng kêu to”, cần xây dựng, bổ sung các quy định về tiêu chí và yêu cầu cụ thể trong đánh giá năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính, “sức khỏe” thương hiệu… của nhà đầu tư để đảm bảo tính minh bạch và thực chất của các dự án. Quan trọng hơn, cũng chính là điều được các nhà đầu tư trông đợi hơn cả, là yêu cầu tăng cường khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua cải thiện môi trường đầu tư; thiết kế những rào cản kỹ thuật khôn khéo để nắn chỉnh dòng vốn đúng mục tiêu đề ra.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam gần đây nhất, ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch Diễn đàn nhận định, chính sách về thuế, hải quan vẫn gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp. Kỷ cương, kỷ luật hành chính ở nhiều nơi, nhiều chỗ chưa nghiêm, vấn nạn đòi “bôi trơn” mới được việc vẫn khiến cho nhiều nhà đầu tư nản lòng. Nguồn nhân lực của Việt Nam cũng cần được trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng lớn. Hiện số lao động qua đào tạo của Việt Nam mới chỉ chiếm 21% lực lượng lao động.
Nếu không giải tỏa những điểm nghẽn quan trọng đã được nhận diện rõ, dòng vốn FDI khó lòng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.