Định lượng hóa tuyệt đối biến thẩm phán thành… máy tính

Ngày 9-5, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
 Định lượng hóa tuyệt đối biến thẩm phán thành… máy tính

 Hai nội dung quan trọng được các giảng viên, nghiên cứu sinh, luật sư, luật gia, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Luật hình sự của các trường đại học, các viện nghiên cứu trao đổi sâu là quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân và định lượng trong các tội phạm.

PGS.TS. Trần Văn Độ, Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao bày tỏ quan điểm không ủng hộ định lượng hóa tuyệt đối như Bộ Luật Hình sự 2015 và dự thảo sửa đổi. Chỉ ra thực tế không quốc gia nào trên thế giới cố gắng định lượng trong luật, PGS.TS. Trần Văn Độ cho rằng, cách định lượng hóa chi tiết, tuyệt đối như hiện nay của nước ta đang đi ngược lại xu thế chung.

Theo PGS.TS. Trần Văn Độ, hậu quả của tội phạm bao gồm cả hậu quả vật chất (có thể định lượng được) và hậu quả phi vật chất (không thể định lượng được). Trong khi đó, luật hiện nay và dự thảo sửa đổi lại chỉ định lượng riêng rẽ được về từng loại hậu quả, mà không kết hợp, không định lượng được khi có hậu quả hỗn hợp xảy ra. Do định lượng không thể liệt kê, tập hợp hết các loại hậu quả, các loại hành vi, cho nên không thể áp dụng trong những trường hợp chưa được tổng hợp. Điều này dẫn đến khó khăn, thiếu thống nhất, thiếu công bằng trong thực tiễn áp dụng.

Ông Trần Văn Độ dẫn chứng, hành vi gây tai nạn giao thông (điều 260 Bộ Luật hình sự) làm chết 2 người, đồng thời gây thương tích cho 2 người với tổng tỷ lệ gần 200% và gây thiệt hại tài sản 1,4 tỷ đồng thì không biết xử lý theo khoản nào, vì không được quy định! Còn nếu áp dụng theo một loại hậu quả (tức áp dụng khoản 2) thì sẽ không công bằng, vì khi chỉ gây thương tích cho 3 người mà tổng thương tật từ 202% trở lên đã phải xử lý nặng hơn, theo khoản 3.                                                                  

“Việc không tính đến các yếu tố khác, mà chỉ chăm chăm vào định lượng đang biến người áp dụng pháp luật, thẩm phán thành… máy tính, chỉ bấm nút tính toán định lượng mà xử lý” - PGS.TS. Trần Văn Độ nhận xét.

PGS.TS Trần Văn Độ kiến nghị, trong luật nên sử dụng các thuật ngữ trường hợp (cùng lắm là hậu quả) ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Việc còn lại, xác định và đánh giá toàn bộ chi tiết của vụ án, để có phán quyết công bằng, hợp lý là nhiệm vụ của người áp dụng pháp luật.

Đồng quan điểm, Nhà giáo nhân dân, GS.TS Trịnh Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Cảnh sát nhân dân cũng cho rằng, nếu định lượng quá chi tiết thì sẽ rất khó khăn cho lâu dài áp dụng trong thực tế. “Con chó, được định lượng thì chỉ có mấy trăm ngàn đồng. Nhưng con chó có đặc điểm khác biệt, là con vật gắn với chủ nhân, được chủ nhân yêu quý nên giá trị của nó là vô giá. Chỉ vì định lượng giá trị con chó chỉ mấy trăm ngàn nên không xử lý hình sự người trộm chó được, từ đó phát sinh sự bức xúc trong nhân dân, dẫn đến nhiều vụ người dân “tự xử”, đánh hội đồng người trộm chó” – ông Trịnh Văn Thanh nêu bất cập từ việc định lượng.

Tương tự, nhiều vụ đánh bạc, trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị thực hiện tội phạm… hiện nay không xử lý được, hoặc rất khó xử lý hình sự cũng bởi mắc việc định lượng. Cũng liên quan đến định lượng, GS.TS. Trịnh Văn Thanh chỉ ra hạn chế của luật hiện nay nếu đánh người gây thương tích dưới 11% thì không xử lý hình sự được, hoặc gây rối nhưng không ở nơi công cộng thì cũng không xử lý được. Ông Trịnh Văn Thanh góp ý, nên có thêm tội Côn đồ để xử lý được những đối tượng hung hăng, gây rối (ở các nơi không phải nơi công cộng), chém người (nhưng chưa đến 11%).

Về trách nhiệm hình sự pháp nhân, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó trưởng Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TPHCM góp ý, cần thống nhất nhận thức pháp nhân là chủ thể của tội phạm.  Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể được thực hiện độc lập, không phụ thuộc vào việc truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Tin cùng chuyên mục