Định vị "thương hiệu" trường chuyên - Bài 1: Chuyên không còn để… chọi!

LTS: Việc Bộ GD-ĐT vừa “tuýt còi” tuyển sinh lớp 6 tại 2 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) và Trần Đại Nghĩa (TPHCM) làm “dậy sóng” trở lại cuộc tranh luận: đầu tư giáo dục mũi nhọn hay phát triển giáo dục đại trà, đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh. Trên thực tế, tranh luận về trường chuyên đã kéo dài hàng chục năm qua với nhiều thay đổi về cơ chế quản lý, song mô hình này vẫn giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược đầu tư và phát triển giáo dục cả nước.

Mô hình trường chuyên lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1965 với sự ra đời của khối phổ thông chuyên Toán thuộc Khoa Toán - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Sau đó, mô hình được nhân rộng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước với hàng chục ngàn học sinh (HS) theo học. Qua gần 60 năm phát triển, trường chuyên ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo HS giỏi.

D1c.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) tham gia hoạt động trải nghiệm tại sân trường. Ảnh: MINH QUÂN

Sức hút trường chuyên

Đầu tháng 3-2024, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức đợt 2 kỳ thi thử vào lớp 10 năm học 2024-2025. Trước đó, đợt 1 đã diễn ra ngày 21-1-2024. Hai đợt thi thử đã thu hút gần 4.000 HS tham gia. Theo kế hoạch, đợt thi thử thứ 3 - đợt thi cuối cùng, sẽ diễn ra trong tháng 5-2024, trước khi HS bước vào kỳ thi thật đầu tháng 6-2024 nhằm tuyển chọn 525 thí sinh xuất sắc nhất trở thành lứa HS tiếp theo của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ.

Các em học sinh Trường THPT chuyên ngữ (Hà Nội) dự lễ khai mạc kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023.jpg
Các em học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội) dự lễ khai mạc kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023

Tương tự, năm học 2024-2025, Trường THPT chuyên Quốc học (Thừa Thiên Huế) thông báo tăng 30 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm học 2023-2024. Dù chỉ tiêu tăng nhẹ nhưng điều kiện dự thi vào trường vẫn rất gắt gao. Theo đó, HS phải có kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm của tất cả khối lớp cấp THCS và kết quả tốt nghiệp THCS từ khá trở lên mới đủ điều kiện dự thi.

Trong khi đó, tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, một trong những điểm mới của tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm nay là HS được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng lớp 10 chuyên - tăng 1 nguyện vọng so với các năm trước. Việc tăng số lượng nguyện vọng nhằm giúp HS có thêm cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT chuyên, trường THPT công lập có tổ chức lớp chuyên. Trước đó, năm học 2023-2024, tỷ lệ chọi vào lớp 10 của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa lần lượt là 1 chọi 5,42 và 1 chọi 4,65. Tỷ lệ này tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2022-2023 là 1 chọi 5,91 đối với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và 1 chọi 3,54 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Các số liệu nói trên cho thấy, sức hút vào trường chuyên luôn “nóng” vào mỗi mùa tuyển sinh.

z5218010095865_6816b1e08a3cc19d82dbd6497ef75357.jpg
Học sinh TPHCM tham gia Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2023-2024

“Luyện gà chọi” không còn phù hợp

Cô Bùi Thị Thanh Châu, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) - cựu HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa khóa 2001-2004, cho biết, 20 năm trước, cơ hội tiếp cận các cuộc thi quốc tế, nộp hồ sơ xin học bổng du học với HS Việt Nam không nhiều như bây giờ. Nhờ được đào tạo trong môi trường chất lượng cao, cô sớm tiếp cận với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Đây là một trong những lợi thế giúp HS trường chuyên có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn các bạn được đào tạo trong môi trường công lập. Qua 16 năm đi dạy, giáo viên này nhận thấy, chương trình giảng dạy ở trường chuyên đã có nhiều thay đổi, đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục.

“Tôi cho rằng ngoài lợi thế về chất lượng đầu vào của HS, trường chuyên còn tạo ra hệ sinh thái tổng hợp gồm ban giám hiệu, giáo viên, HS và phụ huynh năng động hơn trước. Nhiều năm qua, trong các lớp tôi dạy, không phải HS nào cũng phát triển theo hướng học thuật, các em còn phát huy thế mạnh khác như nghiên cứu khoa học, nghệ thuật, thể thao… Do đó, quan niệm trường chuyên chỉ “luyện gà chọi” không còn phù hợp”, cô Bùi Thị Thanh Châu bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN: Thực hiện vai trò dẫn dắt hệ thống

Trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trường chuyên không chỉ làm tốt vai trò, trách nhiệm đào tạo mũi nhọn mà còn thực hiện vai trò dẫn dắt hệ thống. Vai trò này thể hiện qua việc thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học với các trường công lập khác, nhất là dạy học các môn mới, phương pháp kiểm tra, đánh giá HS. Giai đoạn tới đây, mô hình trường chuyên cần tiếp tục điều chỉnh, đổi mới theo hướng phát triển toàn diện năng lực HS, hướng đến mục tiêu phát triển tư duy sáng tạo, trí tuệ cảm xúc cho người học.

D4a.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) trong giờ học môn Tin học

Ở góc độ khác, thầy Lê Thành Trung, Tổ trưởng chuyên môn Vật lý, Trường THPT Hùng Vương (TPHCM) - cựu HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khóa 2000-2003, chia sẻ, khi môi trường học tập phát triển theo hướng mở, HS sẽ ngày càng hình thành tư duy dám nghĩ, dám làm. Yếu tố tích cực của không gian học tập kết hợp với năng lực đồng đều của HS giúp nâng cao hiệu quả học tập. Nhờ đó, giáo viên cũng tự tin và năng lượng hơn trong việc tổ chức các hoạt động.

Song, để có nguồn giáo viên ưu tú đó, theo thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học (Thừa Thiên Huế), tấm bằng xuất sắc ở trường sư phạm thôi chưa đủ mà bản thân mỗi thầy, cô ở trường chuyên phải đi đầu đổi mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về năng lực ngoại ngữ, tin học, chủ động thay đổi phương pháp để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục chất lượng cao

Theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên do Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Thông tư 05/2023 (ngày 28-2-2023), trường chuyên được ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy đặc thù.

Ngoài ra, UBND cấp tỉnh, cơ sở giáo dục đại học (có trường THPT chuyên trực thuộc) quyết định chính sách học bổng, khen thưởng đối với HS đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện, có thành tích trong các kỳ thi HS giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế. Trong khi đó, học phí của trường THPT chuyên được quy định bằng học phí trường THPT công lập (300.000 đồng/HS/tháng). So với mức thu học phí của các trường tư thục chất lượng cao, trường công lập theo mô hình tiên tiến hội nhập, học phí trường chuyên được xem là “mềm” hơn nhiều, phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của người dân cả nước.

Như vậy, với mức học phí tương đương trường THPT công lập, HS trường chuyên được thụ hưởng môi trường giáo dục chất lượng cao, các chế độ khen thưởng, học bổng nhiều hơn do có chính sách ưu đãi đặc thù. Đây là nguyên nhân khiến hàng chục năm qua, cuộc đua giành suất học trường chuyên luôn “nóng”, nhất là các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Linh hoạt tạo nguồn học sinh giỏi

Sau khi Bộ GD-ĐT yêu cầu ngưng tuyển sinh lớp 6 trong trường THPT chuyên, Hà Nội và TPHCM có 2 hướng xử lý. Nếu như Hà Nội chấm dứt tuyển sinh lớp 6 tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thì TPHCM chọn phương án linh hoạt hơn là tách đôi trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thành 2 trường có tư cách pháp nhân độc lập là Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Cách làm này giúp không ảnh hưởng đến công tác đào tạo chuyên của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, ổn định việc tuyển sinh vào lớp 6 qua hình thức khảo sát năng lực đã được thành phố áp dụng hơn 20 năm qua. Dù được cho là “vẹn cả đôi đường” nhưng phương án đang vấp phải sự lo ngại từ chính đội ngũ quản lý giáo dục. Liệu rằng sau khi tách riêng ra hoạt động, cấp THCS còn giữ được phong độ khi không còn trong hệ sinh thái trường chuyên?

Ghi nhan Da Nang 2 (1) (1).jpg
Một giờ tự học của các em học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trước đó, từ năm học 2015-2016, TP Đà Nẵng dừng đào tạo chuyên cấp THCS, cụ thể là không tổ chức thi tuyển vào lớp 6, Trường THCS Nguyễn Khuyến (trường chuyên cấp THCS thời điểm đó). Ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết, thay vì tập trung HS giỏi lớp 5 vào Trường THCS Nguyễn Khuyến, HS giỏi được rải đều ở các quận huyện. Cuối năm học lớp 9, TP Đà Nẵng tổ chức kỳ thi HS giỏi cấp thành phố nhằm tạo nguồn HS giỏi cho cấp THPT. Thay đổi này giúp việc dạy học ở các trường nâng cao chất lượng một cách đồng đều, qua đó giảm áp lực cho HS cấp THCS.

Tin cùng chuyên mục