Định vị “thương hiệu” trường chuyên - Bài 2: Học sinh giỏi Việt Nam đang làm gì?

Từ năm 1974 (thời điểm Việt Nam bắt đầu có học sinh tham gia kỳ thi Olympic quốc tế) đến nay, hàng trăm học sinh Việt Nam đã ghi tên vào bảng vàng thành tích thế giới.

Những cái tên ưu tú như Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn, Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, Ngô Bảo Châu, Lê Anh Vinh… góp phần khẳng định chất lượng dạy và học của Việt Nam ngày càng tiệm cận thế giới. Song, làm thế nào để phát huy tối đa nguồn lực học sinh giỏi, giảm tình trạng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý.

Nhân tài phát triển từ trường chuyên

Đinh Cao Sơn - sinh viên năm nhất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là một trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2023. Trong danh sách 10 gương mặt tiêu biểu năm nay, em là đại diện duy nhất ở lĩnh vực học tập với thành tích Huy chương vàng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế (IchO) năm 2023 tại Thụy Sĩ. Trước đó, em là thủ khoa đầu vào lớp chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh); giải nhì quốc gia môn Hóa học năm lớp 11, giải nhất quốc gia môn Hóa học lớp 12. Trải nghiệm từ các kỳ thi trong nước đã giúp Cao Sơn đạt thành tích cao ở đấu trường quốc tế, mang về tấm huy chương vàng danh giá cho đội tuyển Việt Nam.

E4d.jpg
Bộ GD-ĐT biểu dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023. Ảnh: PHAN THẢO

Chàng sinh viên năm nhất Đinh Cao Sơn cho biết, năm học lớp 10, em gặp nhiều khó khăn khi lần đầu tiên tiếp cận kiến thức chuyên sâu môn Hóa học. Tuy nhiên, nhờ có “thầy giỏi, bạn giỏi” ở Trường THPT chuyên Hà Tĩnh đồng hành, em đã phát huy tốt năng lực bản thân. Nói về lý do không phát triển thành nhà nghiên cứu mà muốn trở thành một thầy giáo, Cao Sơn cho biết muốn lan tỏa niềm yêu thích môn Hóa học đến học sinh, thay vì để môn học này trở thành “nỗi khiếp sợ” của nhiều học trò.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Huỳnh Văn Chương, trong 5 năm trở lại đây, có 174 lượt học sinh Việt Nam tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực ở các môn: Toán học, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Tin học, mang về cho đất nước 54 huy chương vàng, 68 huy chương bạc, 40 huy chương đồng, 8 bằng khen. Nhiều năm liền, Việt Nam nằm trong tốp 10 nước tham gia có nhiều thí sinh đạt điểm thi vượt trội. Hầu hết học sinh đoạt giải đến từ các trường THPT chuyên có bề dày thành tích như: Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), Trường THPT chuyên Hà Tĩnh (Hà Tĩnh)… Sau khi hoàn thành cấp THPT, các em tiếp tục thể hiện năng lực vượt trội ở các trường đại học trong và ngoài nước.

Ra đi hay trở về?

Trong danh sách đề cử “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023”, ở lĩnh vực học tập, ngoài Đinh Cao Sơn - chàng trai 19 tuổi đến từ Hà Tĩnh, còn có 2 ứng cử viên sáng giá khác là Phạm Việt Hưng, cựu học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn Tuấn Phong, cựu học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Cả 3 gương mặt trên đều đạt thành tích cao ở đấu trường quốc tế, song chỉ có Đinh Cao Sơn chọn hướng phát triển tại một trường đại học trong nước, 2 chàng trai còn lại tiếp tục quá trình học tập tại 2 trường đại học danh giá ở Mỹ và Hồng Công. Với lợi thế về năng lực tiếng Anh cộng với thành tích cao ở lĩnh vực chuyên ngành, các em dễ dàng nhận được học bổng du học tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Không chỉ với cuộc thi Olympic quốc tế, học sinh đạt thứ hạng cao tại các sân chơi học thuật khác như Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế, Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” (chương trình truyền hình về kiến thức dành cho học sinh cấp THPT, do Bộ GD-ĐT phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức), Kỳ thi chứng chỉ phổ thông quốc tế Pearson Edexel… nhiều năm trở lại đây đều có tỷ lệ du học khá cao. Sau khi hoàn thành chương trình đại học ở nước ngoài, nhiều em tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ và làm việc ở nước ngoài. Trong số đó, chỉ một số ít trường hợp trở về Việt Nam công tác.

Một trong số đó là GS-TS Lê Anh Vinh - người được cấp bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ) và trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi mới 37 tuổi. Trước khi đi du học, ông là cựu học sinh chuyên Toán, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhờ thành tích vượt trội ở các cuộc thi quốc tế, ông được Chính phủ Australia cấp học bổng toàn phần ngành Công nghệ thông tin tại Đại học New South Wales. Sau đó, ông tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard. Sau một năm giảng dạy tại một trường đại học ở Hoa Kỳ, tháng 10-2011, ông Lê Anh Vinh quyết định trở về Việt Nam đầu quân cho Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ngoài ông Lê Anh Vinh, Việt Nam còn có một số “huyền thoại” Toán học khác trở về nước sau thời gian dài học tập ở nước ngoài, như TS Hoàng Lê Minh - người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế vào năm 1974, nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số (thuộc Bộ Thông tin và truyền thông); TS Lê Bá Khánh Trình - Huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế năm 1979, hiện đang công tác tại Khoa Toán, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM). Những tấm gương như Hoàng Lê Minh, Lê Bá Khánh Trình, Lê Anh Vinh là 3 trong số ít các trường hợp quay về phục vụ đất nước, trong khi đó hàng trăm người đoạt huy chương vàng quốc tế khác đã chọn công việc ở nước ngoài.

Thống kê nhanh từ các trường đại học trong nước cho thấy, hiện nay có chưa đến 20% giáo sư, tiến sĩ, cán bộ quản lý tham gia đào tạo ở nước ngoài. Nguồn lực chủ yếu của các trường đại học ở Việt Nam đến từ môi trường giáo dục trong nước. Vì vậy, chương trình, phương pháp giảng dạy ở bậc đại học của chúng ta luôn có điểm chênh so với các nước phát triển là điều khó tránh khỏi. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang thiếu trầm trọng tính liên thông giữa đào tạo ở bậc phổ thông và đại học, sau đại học, dẫn đến nguồn nhân lực chất lượng cao bị phân tán, chưa phát huy hết nguồn lực đóng góp cho đất nước.

  • Ông MAI TẤN LINH, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng:

Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ

Cách đây 10 năm, Đà Nẵng có đề án đưa học sinh giỏi ra nước ngoài đào tạo. Sau nhiều năm thực hiện, chính sách không đạt hiệu quả do nhiều trường hợp chấp nhận hoàn trả kinh phí đào tạo để ở lại nước ngoài; có trường hợp quay về địa phương phục vụ được vài năm cũng rời đi… Cần thừa nhận thực tế là học sinh sau khi du học nước ngoài về địa phương chưa có nhiều cơ hội việc làm; môi trường phát triển đúng ngành nghề, lĩnh vực chưa phong phú. Đây là một trong những mâu thuẫn giữa chính sách đào tạo và sử dụng người tài hiện nay.

Trước đây, Đà Nẵng triển khai chính sách miễn học phí cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, hỗ trợ 520.000 đồng/tháng với học sinh nội trú, 260.000 đồng/tháng với học sinh ngoại trú... Khi kiểm toán vào làm việc, địa phương phải ngưng thực hiện do cơ chế tài chính không cho phép. Đây là điều rất đáng tiếc!

  • Cô H.T.T.H., cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM:

Tận dụng nguồn cựu học sinh

Ở cấp độ trường, các hội, nhóm cựu học sinh qua các thời kỳ đa phần là thành viên sinh sống và làm việc trong nước. Ở các lớp tôi dạy, các bạn thành lập nhóm trò chuyện (chat) riêng để giữ liên lạc với nhau, nhờ đó “tận dụng” được nguồn lực là các thành viên đang làm việc ở nước ngoài. Khi có dự án cộng đồng hoặc hoạt động cần kết nối cựu học sinh, chúng tôi dễ dàng hỗ trợ nhau. Với sự giúp sức của công nghệ thông tin, khoảng cách về địa lý không còn là trở ngại vì mọi người có thể hỗ trợ nhau qua hình thức trực tuyến.

Tôi cho rằng cựu học sinh là một trong các nguồn lực giúp trường chuyên phát triển “thương hiệu”, mở ra nhiều cơ hội kết nối với chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, để nguồn lực phát huy hiệu quả, cần có thêm chính sách hỗ trợ để khuyến khích, tạo động lực cho cựu học sinh quay về hỗ trợ trường.

GS-TS LÊ ANH VINH, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam:

Cần cơ chế thoáng để nhà khoa học phát huy năng lực

Điều băn khoăn của các nhân tài khi trở về nước là môi trường nghiên cứu và làm việc, bao gồm tổng hòa nhiều yếu tố: cơ sở vật chất, điều kiện tài chính, cộng đồng nghiên cứu, hoạt động học thuật. Như vậy, lợi ích vật chất không phải là cơ sở duy nhất quyết định việc đi hay ở. Để phát huy tối đa tài nguyên trí tuệ của các nhà khoa học trẻ, cần triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư tài chính, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cùng cơ chế pháp lý thông thoáng, đảm bảo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy tối đa năng lực.

Tin cùng chuyên mục