Dịp lễ 30-4 và 1-5: Các bến xe đã sẵn sàng phục vụ

Ngay từ giữa tuần qua, các bến xe cửa ngõ thành phố đều đã hoàn chỉnh phương án phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới.

Lãnh đạo Bến xe miền Đông dự báo lượng hành khách đi lại trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày vào cuối tháng này sẽ tăng khoảng 30% - 50% so với cùng kỳ lễ năm trước và tăng gần gấp ba so với ngày thường. Phó giám đốc Thượng Thanh Hải cho rằng nhu cầu đi lại có thể tăng vọt lên 50.000 lượt khách/ngày trong thời điểm này, đặc biệt 3 ngày cao điểm là từ 27 đến 29-4.

Trong khi đó, Bến xe An Sương đã chuẩn bị cho tình huống hành khách tăng 40% so với ngày thường, đồng thời cũng dự báo nhu cầu đi lại sẽ căng thẳng nhất là từ chiều tối ngày thứ sáu 27-4 đến hết ngày thứ bảy 28-4. Bởi vì dự báo sẽ có nhiều người bắt xe về quê hoặc đi chơi ngay khi kết thúc ngày làm việc cuối tuần. Mặc dù đặc thù đối tượng hành khách có khác so với các bến xe khác, Bến xe Ngã tư Ga vẫn dự phòng áp lực tăng lên đối với các tuyến có cự ly ngắn đi/đến từ bến.

Còn tại Bến xe miền Tây, ban giám đốc dự trù trong 2 ngày cao điểm 28 và 29-4, lượng khách đổ về bến có thể đạt từ 50.000 đến 52.000 khách/ngày, trong đó khu vực ủy thác bến bán vé có thể tiếp đón từ 23.000 - 25.000 hành khách/ngày. So với cùng kỳ lễ năm 2011, lượng hành khách qua bến dự báo tăng từ 5% - 10% và tăng hơn gấp đôi so với ngày thường.

Các tuyến đổ về các khu du lịch, nghỉ mát sẽ là trọng điểm hút khách trong những ngày này. Cụ thể đối với Bến xe miền Đông sẽ là các tuyến tỏa đi Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết, Ban Mê Thuột… trong khi “cây đinh” của Bến xe miền Tây sẽ là từ TP đi Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cà Mau.

 Điều người dân quan tâm không kém là giá vé xe đò trong dịp nghỉ lễ sắp tới sẽ được nhà xe phụ thu như thế nào? Theo quy định, giá vé do các hãng xe quyết định và đăng ký với cơ quan chức năng, cũng giống như mùa phục vụ tết hàng năm, dịp nghỉ lễ dài ngày thường xảy ra tình trạng một chiều xe quá đông đúc hành khách trong khi một chiều xe rỗng. Chính vì vậy, để bù đắp lượt rỗng, các nhà xe đều xây dựng và đăng ký phụ thu giá vé với cơ quan chức năng. Theo đó, tại hầu hết các bến xe cửa ngõ đều chịu mức phụ thu chiều rỗng từ 20% - 60% tùy tuyến hành trình và tùy từng hãng xe.

Cụ thể, nhiều hãng xe tại Bến xe miền Tây đã công bố mức phụ thu 40% áp dụng trong hai ngày cao điểm 28 và 29-4 đối với chiều xuất bến tại TPHCM. Hãng xe Mai Linh thông báo phụ thu 20% cho các lộ trình Sài Gòn – Buôn Ma Thuột, Sài Gòn – Phan Thiết. Hãng xe Anh Khoa sẽ phụ thu 60% đối với một số tuyến hành trình. Tuy nhiên, theo Ban giám đốc Bến xe miền Đông, hầu hết các hãng xe đều phụ thu ở ngưỡng 40%.

Về chuẩn bị đầu xe, các bến xe đều tỏ ra rất cẩn trọng vì không muốn xảy ra tình trạng khách thừa, xe thiếu tại đơn vị mình quản lý. Theo Tổng Giám đốc Phạm Tiến Dũng, Công ty cổ phần Bến bãi vận tải Sài Gòn – đơn vị quản lý 2 bến xe đầu mối là Bến xe Ngã tư Ga và Bến xe An Sương, các đơn vị vận tải hoạt động tại bến đều đã được khuyến cáo không cấp lệnh chạy hợp đồng cho các phương tiện đã đăng ký hoạt động trên tuyến và điều động toàn bộ phương tiện ra bến hoạt động trong thời gian phục vụ lễ sắp tới. “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không đưa xe vào bến phục vụ dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới”, ông Dũng nói thêm.

Phó Tổng giám đốc Bến xe miền Tây Trần Văn Phương cho biết 15 ngày trước lễ, bến xe đã chuẩn bị 55.000 ghế sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người dân. Ngoài ra, Bến xe miền Tây cũng đã chuẩn bị dự phòng 50 xe buýt loại B80 sẵn sàng “đóng thế” khi thiếu hụt đầu xe vận tải.

TRUNG KHANH

Tin cùng chuyên mục