Đìu hiu bệnh viện quận huyện

Trong khi người bệnh chen chúc nằm dưới gầm giường, bác sĩ làm bở hơi tai ở các bệnh viện (BV) tuyến trên, thì các BV quận huyện ở TPHCM vẫn hoạt động nhàn nhã với giường thừa, bệnh ít. Sự nghịch lý này đang tạo ra những bất hợp lý trong công tác khám chữa bệnh ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Đìu hiu bệnh viện quận huyện

Trong khi người bệnh chen chúc nằm dưới gầm giường, bác sĩ làm bở hơi tai ở các bệnh viện (BV) tuyến trên, thì các BV quận huyện ở TPHCM vẫn hoạt động nhàn nhã với giường thừa, bệnh ít. Sự nghịch lý này đang tạo ra những bất hợp lý trong công tác khám chữa bệnh ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

  • 3 bệnh nhân/45 giường

Dù đã 9 giờ sáng nhưng khoa khám bệnh của BV quận 2 cũng chỉ lác đác vài bệnh nhân. Có thể nhận thấy những hàng ghế trơ trọi giữa không gian vắng lặng. Tại các phòng khám 1, 2 (khám nội tổng quát), tai- mũi- họng, chỉ vài bệnh nhân ngồi đợi bác sĩ thăm khám và kê toa. Còn trong các phòng khám, bác sĩ và điều dưỡng trò chuyện râm ran.

Khi được hỏi sao ít bệnh nhân thế, một điều dưỡng cho biết ở đây chỉ vậy thôi chứ làm sao bì được các BV trên trung tâm thành phố. Điều dưỡng Trần Hạnh Thùy Trang, phòng khám tai-mũi-họng, cho biết trung bình cũng khoảng 100 bệnh nhân khám/ngày, có ngày cao điểm thì hơn. Nói vậy, nhưng với 2 giờ ngồi quan sát hôm 29-12 vừa qua, chúng tôi đếm chưa tới 10 bệnh nhân đến khám.

Bước lên lầu của Khoa Sản, chúng tôi ghé mắt qua các phòng bệnh thì cũng chỉ đếm được vài bệnh nhân đang nằm hậu sản. Một bác sĩ cho biết là sản phụ về hết rồi nên chỉ còn vài người chứ bình thường cũng được 9-10 bệnh nhân. Quả thực, với 22 giường được kê nhưng bình quân chỉ 10 bệnh nhân trở lại thì Khoa Sản BV quận 2 còn dư quá nửa giường bệnh. Thê thảm hơn là Khoa Nội nhi, chúng tôi tìm đỏ cả mắt cũng chỉ đếm được 3 bệnh nhi trong sáng 29-12.

Trong khi đó, được biết Khoa Nhi BV quận 2 được ưu ái kê tới 45 giường bệnh. “Bác sĩ đi học hết rồi, còn trẻ con bây giờ hắt hơi một tí là phụ huynh đưa đến BV nhi đồng hết” - một điều dưỡng trực Khoa Nhi buồn bã nói. May mắn thay, khảo sát cả BV quận 2 chỉ có Khoa Ngoại là đông bệnh nhân và đôi khi quá tải. “Dù sao cũng là tín hiệu mừng cho BV bởi khoa ngoại đã làm được một số kỹ thuật tốt, kể cả mổ bắt con” - BS Phạm Văn Thà, Phó Giám đốc BV quận 2, nói.

Theo BS Thà, BV có 150 giường nhưng công suất sử dụng cũng chỉ mới đạt trên 70%. Đó là do bác sĩ thiếu, trang thiết bị chưa đồng bộ… Thế nhưng, sắp tới BV quận 2 có dự án mở rộng thêm 110 giường, không biết có bệnh nhân nằm hay không?...

Một phòng của Khoa Ngoại BV quận 9 TPHCM chỉ có 1 bệnh nhân, ảnh chụp chiều 29-12. Ảnh: Tg. Lâm

Một phòng của Khoa Ngoại BV quận 9 TPHCM chỉ có 1 bệnh nhân, ảnh chụp chiều 29-12. Ảnh: Tg. Lâm

Cũng trong hoàn cảnh thừa giường, thiếu bác sĩ là BV quận 9. Đã 2 giờ chiều một ngày giữa tuần nhưng ngay khu khám bệnh, phát thuốc BHYT của BV quận 9 cũng đìu hiu. Ngay cửa tiếp nhận điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi, cô điều dưỡng vừa ngáp dài vừa ngồi… đan len. Còn kế bên đó là khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc chỏng chơ mấy cái giường trống. Cảnh tượng cũng chẳng mấy khá hơn ở Khoa Nội nhi, Khoa Sản… BS Trần Minh Tâm, Giám đốc BV quận 2, cho biết kế hoạch BV là 100 giường nhưng thực kê mới 80 giường và công suất cũng chỉ khoảng 70%. “Kẹt nhất là nhân lực. Không có bác sĩ thì lấy đâu ra bệnh nhân, nên BV vẫn chỉ là hạng 3” - BS Tâm than thở.

  • Khó… “nâng chất”

Trên đây chỉ là 2 trong số cả chục BV quận huyện hiện nay tại TPHCM trong tình trạng thừa giường, thiếu bác sĩ và không thu hút được bệnh nhân. Các BV khác phải kể đến như BV quận 12, BV huyện Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ…

Theo ghi nhận của Sở Y tế TPHCM, công suất sử dụng giường bệnh trung bình của 24 BV quận huyện chỉ khoảng 60%, mặc dù không ít BV được đầu tư xây dựng khá khang trang. Nguyên do được đặt ra là chất lượng khám và điều trị tại các BV quận huyện chưa cao, chưa tạo được uy tín. Danh mục kỹ thuật được Bộ Y tế ban hành cho BV quận huyện lên tới cả ngàn loại thì các BV quận huyện chỉ mới làm được khoảng 50%. Cao nhất là BV quận Thủ Đức đã làm được 871 kỹ thuật, còn như BV huyện Cần Giờ chỉ làm được 298 kỹ thuật đơn giản. “Chẳng thế mà bệnh nhân cứ đùn lên tuyến trên, sinh ra quá tải” - một bác sĩ thừa nhận.

Ngoài lý do không đủ trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật thì không có bác sĩ cũng là điều khiến nhiều BV quận huyện trăn trở. “Không có chế độ đãi ngộ tốt thì khó thu hút bác sĩ về làm lắm. BV đang muốn xây dựng một khoa hồi sức tích cực nhưng không có bác sĩ nên đành bó tay. Trước mắt BV cần 10 bác sĩ nữa” - BS Phạm Văn Thà, Phó giám đốc BV quận 2, cho biết.

Theo Sở Y tế THCM, một trong những nguyên nhân chính gây yếu kém của BV quận huyện là thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị lạc hậu. Trung bình hàng năm nhu cầu đầu tư của BV quận huyện khoảng 100 tỷ đồng, nhưng ngân sách đầu tư của chính quyền quận, huyện chỉ đáp ứng khoảng 50%. “Từ đó dẫn đến lòng tin của người bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến quận huyện bị giảm sút” - ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nêu rõ trong kế hoạch nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các BV quận huyện.

Sở Y tế TPHCM vừa có đề án tăng cường nhân lực, trang thiết bị cho y tế quận huyện giai đoạn 2012-2015. Theo đó, các BV tuyến trên (hạng I) sẽ “cắm chốt” bác sĩ và chuyển giao kỹ thuật cho BV quận huyện trong 3-5 năm. Tuy nhiên, theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, nếu không có sự đầu tư đồng bộ thì rất khó “nâng chất” cho BV quận huyện. Nếu các BV quận huyện còn dư giường bệnh thì bố trí cho các BV tuyến trên xây dựng một khoa luôn, coi như cơ sở 2 của BV tuyến trên. Có vậy mới thu hút người bệnh. 

800 tỷ đồng đầu tư cho y tế mỗi năm

Theo Sở Y tế TPHCM, trung bình mỗi năm ngân sách thành phố đầu tư cho các bệnh viện trực thuộc sở khoảng 300-400 tỷ đồng, bao gồm mua sắm trang thiết bị và xây dựng cơ bản. Các bệnh viện còn tạo được nguồn quỹ phát triển sự nghiệp và đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 400 tỷ đồng/năm. Tính ra, mỗi năm các bệnh viện TP được đầu tư 800 tỷ đồng nhưng vẫn quá tải.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục