Ở hạng Nhất, bóng đá miền Bắc thắng thế với tấm vé lên hạng sớm của Thể Công Viettel; Vạn Hoa Hải Phòng ngấp nghé cạnh tranh suất vé thăng hạng thứ hai, còn Than Quảng Ninh, Vinakansai Ninh Bình đã chắc suất trụ hạng. Còn tại V-League 2007, dẫu không bi đát đến mức rớt hạng sớm như Huda Huế hay Đồng Tháp, nhưng các đại diện bóng đá phía Bắc đang rơi vào tình trạng... dở khóc, dở cười.
- CÓ CỬA VÀO TỐP 5 ?
Hồi đầu mùa, trong 5 đội bóng đại diện cho bóng đá phía Bắc (Hà Nội ACB, Hòa Phát HN, ĐPM.Nam Định, H.Thanh Hóa, TCDK.SLNA), trừ H.Thanh Hóa khiêm tốn đặt chỉ tiêu trụ hạng và HN.ACB "đùa dai" bằng tuyên bố: "muốn vô địch V-League" của bầu Kiên, 3 đại diện còn lại đều hướng đến mục tiêu vào tốp 5. Thậm chí Hòa Phát HN và TCDK.SLNA còn lăm le xâm chiếm tốp 3, với những món tiền thưởng cao ngất.

Ấy thế nhưng, cục diện V-League ở thời điểm chỉ còn 2 vòng đấu nữa sẽ ngã ngũ đã đẩy các đại diện phía Bắc vào thế sắp... vỡ mộng. Hiện tại, ngoại trừ ĐPM.Nam Định nhảy vào tốp 3 với 37 điểm, 4 đội bóng còn lại đều còn nằm trong khu vực nguy hiểm: H.Thanh Hóa (32 điểm, đứng thứ 8), TCDK.SLNA (31 điểm, thứ 9), Hòa Phát HN (29 điểm, thứ 11) và HN.ACB (28 điểm, thứ 12). Nghĩa là cả 4 đại diện này còn nguyên khả năng rơi vào vị trí phải đá play-off, trong đó 2 đội bóng thủ đô là HN.ACB và Hòa Phát HN nằm trong diện báo động đỏ đặc biệt nguy hiểm.
Với tình thế hiện nay, chỉ cần có thêm 3 điểm, ĐPM.Nam Định chắc chắn đứng trong tốp 5. Thậm chí nếu giải quyết tốt 2 trận còn lại, thầy trò HLV Nguyễn Ngọc Hảo còn có thể "mơ" đến vị trí thứ 3 hoặc ngôi á quân. Thành tích ấy đủ giúp đội bóng thành Nam hài lòng, nhất là đối với những nhà tài trợ mới. Ở hoàn cảnh của 4 đội còn lại, Hòa Phát HN và HN.ACB bây giờ chỉ còn biết lo trốn suất đá… play-off. Đấy là nhiệm vụ sát thực tế mà 2 đội bóng thủ đô đã xác định từ 3-4 vòng đấu vừa qua.
Trong khi đó, cơ hội vào tốp 5 của H.Thanh Hóa và TCDK.SLNA còn nguyên nếu họ thắng cả trận còn lại. Trớ trêu ở chỗ, "cửa" vào tốp 5 của đội bóng không đặt chỉ tiêu đầu mùa là H.Thanh Hóa lại sáng hơn, bởi họ chỉ phải đụng những đối thủ "hạng lông" là TMN.CSG hay đội đã rớt hạng Huda Huế. Ngược lại, đội bóng xứ Nghệ phải giải quyết vấn đề mắc mứu ân tình với Hòa Phát HN - đội đang cố gắng chạy lũ - trước khi tái đấu với đội bóng hết mục tiêu là P.Bình Định. Vả lại, TCDK.SLNA cũng phải chờ những đối thủ trực tiếp như HAGL, Đà Nẵng sa cơ thì mới đáp ứng thỏa đáng cam kết với nhà tài trợ mới.
- Khổ sở vì... "chơi đẹp"
Tình huống dở khóc, dở cười mà các đại diện phía Bắc phải chịu đựng thật khó lý giải. Ở mùa này, thực tế là cả 5 đại diện này đều không... thiếu tiền: Hòa Phát HN chi tới 21 tỷ đồng/mùa, còn TCDK.SLNA và ĐPM.Nam Định đều có nhà tài trợ mới, do đó "bầu sữa" chi cho việc đầu tư lực lượng không phải thiếu. Ngay như H.Thanh Hóa, tiếng là "con nhà nghèo" nhưng đội bóng xứ Thanh vẫn là một trong số những đội ở V-League 2007 treo thưởng cao ngất ngưỡng: trung bình 150 triệu đồng/trận.
Yếu tố khiến các đại diện phía Bắc khổ sở dường như là khát vọng vươn lên. Hòa Phát HN máu và tham vọng nhất, nhưng đội bóng thủ đô này lại bị nạn "quân anh, quân tôi" gây họa. Đặc biệt, cái sự "biết điều", luôn nhìn trước ngó sau của các đội bóng phía Bắc xem như là yếu tố cản trở bước tiến lớn nhất. Chẳng phải ngẫu nhiên, TCDK.SLNA bị đặt vào "tầm ngắm" của BTC V-League sau 2 trận cầu khó tin với Đà Nẵng và Hòa Phát HN ở giai đoạn lượt đi. Trong khi đó, Hòa Phát HN, HN.ACB và ĐPM.Nam Định đều có những trận cầu mà người ta "đoán" trước được kết quả ngay khi bóng còn chưa lăn.
Bóng đá phía Bắc dở khóc, dở cười ở V-League 2007 vì luôn muốn "chơi đẹp", giàu nghĩa tình. Và một khi cái tư tưởng ấy còn chưa chấm dứt, xem ra mùa V-League năm sau, dù các đại diện phía Bắc sẽ hùng hậu hơn (nhờ sự xuất hiện của Thể Công hay khả năng thăng hạng của Vạn Hoa Hải Phòng, trụ hạng của HN.ACB, Hòa Phát HN), nhưng tình cảnh khóc - cười đều... khổ ấy xem ra khó bị đoạn tuyệt!
Gia Minh