Đỏ mắt tìm bạn ghe

Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, xa gia đình mà thu nhập lại bấp bênh khiến nhiều lao động đi biển (hay còn gọi là bạn ghe) chẳng còn mặn mà với cái nghề “ăn gió nằm sương”. Thiếu hụt lao động đi biển, ngư trường cạn kiệt đã khiến nghề cá gặp không ít khó khăn, hệ lụy. 
Ngư phủ không còn mặn mà
Chúng tôi tìm về cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đúng vào vụ tàu thuyền đang thu hoạch mùa cá Nam và được chứng kiến không khí tấp nập cứ như một công trường đang gấp rút thi công. Những chiếc ghe đầy ắp cá cập bến đổ hàng, những phụ nữ, thanh thiếu niên chờ sẵn, tàu nào vào thì cùng nhau xúm lại phụ đưa những túi cá nặng trĩu vào giỏ để cánh thanh niên lực lưỡng khiêng lên bờ cân và đưa lên xe đông lạnh đã trực sẵn. Nhìn cảnh này ít ai biết rằng, nhiều năm nay, nghề cá đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Trà Văn Hoành (ngụ tại ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh), một chủ tàu với nhiều năm kinh nghiệm đi biển có 4 cặp ghe lớn cỡ 500CV, mỗi cặp nếu đóng mới hiện nay cũng ngót nghét chục tỷ đồng. Nhiều năm trước để ghe ra khơi hoạt động đạt công suất, mỗi ghe lúc nào cũng phải có từ 14-15 thuyền viên, kể cả tài công. Các thuyền viên chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và miền Tây. Nhưng vài năm trở lại đây, xuất hiện một số ngành nghề mới, nhiều ngư phủ đã không còn mặn mà với nghề đi biển đầy cực nhọc và nguy hiểm. Nhiều người đã bỏ về quê kiếm việc mới, số khác thì tự đóng tàu thuyền ra khơi.
Mới mấy ngày trước, ông Hoành tuyển được 3 bạn ghe từ một người làm môi giới, sau khi thỏa thuận đi biển, ông trả 15 triệu đồng/người, tương đương với gần 2 tháng tiền công đi biển. Ấy vậy mà, mới đi hơn 1 tháng, 3 thuyền viên non nớt kinh nghiệm, không biết việc lại định nhảy sang tàu khác làm.
“Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp như vậy, trước đây đã có và mình không thể lấy lại tiền, cũng chẳng thể làm gì được họ”, ông Hoành buồn bã nói. Thiếu hụt lao động đi biển, từ 14-15 người/ghe xuống còn 10 người/ghe đã khiến các ghe của ông Hoành hoạt động không mấy hiệu quả. 
Không chỉ ông Hoành, nhiều chủ tàu cá ở các tỉnh khác cũng cùng hoàn cảnh. Ông Trần Văn Dư, một chủ tàu kiêm thuyền trưởng của tàu cá Kiên Giang đang đậu tại cảng cá phường 5 (TP Vũng Tàu) cũng kêu khó tìm bạn ghe đi biển, mà nguyên nhân là do ngư trường cạn kiệt, đánh bắt khó khăn, thu nhập không hấp dẫn. 
Đỏ mắt tìm bạn ghe ảnh 1 Ngư dân chuyển cá lên bờ ở cảng Phước Tỉnh (huyện Long Điền)
Nhiều “cò” lao động đi biển sa lưới
Trước thực trạng lao động đi biển thiếu trầm trọng, để tránh cho tàu không phải nằm bờ, nhiều chủ tàu phải mượn bạn ghe từ ghe khác. Mượn càng nhiều thì chi phí lại càng tăng. Số khác thì thông qua “cò” môi giới bạn ghe, chính điều này đã làm nảy sinh những đường dây “cò” lao động đi biển,  bất chấp pháp luật, ép bạn ghe kiếm lời bất chính.
Theo báo cáo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 6.330 tàu cá lớn nhỏ hoạt động theo nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó tàu công suất máy từ 90CV trở lên, hoạt động xa bờ là 3.032 chiếc, tập trung ở 6 cảng cá lớn gồm: Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Lộc An (huyện Đất Đỏ); Hưng Thái, Phước Tỉnh (huyện Long Điền) Bến Đá, Cát Lở (TP Vũng Tàu).
Do tình trạng khan hiếm lao động đi biển, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện những đường dây “cò”, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giữ người trái phép để ép người lao động kiếm lời hoa hồng từ chủ ghe và từ chính người bị ép lao động.
Trong tháng 4-2017, từ phản ánh của cơ quan báo chí, Công an TP Vũng Tàu đã bắt tạm giam Phạm Đức Bình (trú tại tỉnh Kiên Giang) và Nguyễn Tấn Sỹ (trú tại TPHCM) để điều tra làm rõ hành vi bắt giữ 5 thuyền viên trái pháp luật.
Theo điều tra ban đầu, từ giữa năm 2016, Bình móc nối với một số người hành nghề xe ôm ở các địa phương để tìm người đi biển. Với mỗi lao động tìm được, Bình trả công cho xe ôm 3 triệu đồng. Những lao động do xe ôm đưa đến bị Bình giam giữ trái phép tại một căn nhà ở TP Vũng Tàu; đồng thời, Bình thuê Sỹ và một số đối tượng khác canh giữ, không cho lao động ra ngoài, những người không làm theo yêu cầu thì bị Bình và đồng bọn đe dọa, đánh đập; buộc những lao động này viết giấy vay nợ.
Sau khi giao người cho chủ ghe, Bình đứng ra nhận tiền công của người lao động từ chủ ghe, sau đó y trừ các chi phí mà nạn nhân đã viết giấy vay nợ trước đó. Tháng 5-2017, một nhóm đối tượng “cò” lao động đi biển khác đã bị Tòa án nhân dân huyện Long Điền tuyên mức án từ 15 - 30 tháng tù về hành vi giam giữ 7 ngư dân đi biển.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy hải sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tình trạng khan hiếm lao động đi biển đã xảy ra từ nhiều năm, dẫn tới những vụ việc “cò” lao động mà báo chí đã phản ánh. Ước tính hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 40.000 lao động đi biển, đây là số lao động tự do nên rất khó trong công tác quản lý. Ông Thành khuyến cáo người lao động không nên thông qua người môi giới mà nên gặp trao đổi công việc trực tiếp với chủ tàu, vừa đỡ mất chi phí, vừa tránh nảy sinh các vấn đề phức tạp.

Tin cùng chuyên mục