Đỗ Phủ (712 - 770), tên tự là Tử Mỹ, người huyện Củng, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, thời Đường Huyền Tông. Thiên tài thi ca của Đỗ Phủ sớm bộc lộ từ thời niên thiếu. Tuy nhiên ông không gặp may trong chốn trường quy, lận đận mãi mới được một chức quan nhỏ, cả đời sống trong thiếu thốn, buồn lo, ly loạn chiến tranh, dẫu được vinh danh là “Thi thánh”.
Nguyên Chẩn, một nhà thơ, nhà lý luận nổi tiếng cùng thời với Đỗ Phủ đánh giá thơ ông trác việt, vượt cả Kinh Thi, Sở Từ: “Có được tất cả thể thế cổ kim và hết thảy cái đặc sắc của từng thi sĩ. Người làm thơ từ trước đến nay, chưa có ai được như Đỗ Tử Mỹ”.
Tấm lòng của Đỗ Phủ luôn nghĩ đến những người cùng khổ “cùng niên ưu lê nguyên” (cả năm lo cho dân đen), ông phản đối chiến tranh xâm lược mở rộng bờ cõi của vua chúa Trung Quốc “Biên đình máu chảy thành biển máu/Mở cõi nhà vua ý chưa bỏ”. Ông quan niệm “các nước đều có biên cương riêng”… Câu thơ nổi tiếng ngàn đời “Cửa son rượu thịt ôi/Ngoài đường xương chết rét” đã bật lên tiếng khóc rõ huyết của Đỗ Phủ với nhân dân.
Toàn bộ thơ Đỗ Phủ ước hơn 5.000 bài, nhưng trải bao nhiêu biến thiên lịch sử nay chỉ còn được khoảng 1.400 bài. Có thể nói thơ Đỗ Phủ là “thi sử”. “Đó là một nhà thơ chép sử - một Tư Mã Thiên bằng thơ. Người ta có thể gặp trong thơ Đỗ các kiêu sa của cung đình, cái khổ nạn của dân quê, các bạo ngược của loạn quân, cái thảm biệt của gái tiễn chồng ra trận, cái hoang vắng thê lương của biên tái...”.
Nhân kỷ niệm 1.300 năm ngày sinh Đỗ Phủ (712 - 2012), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Đỗ Phủ tinh tuyển. Sách là một công trình sưu tầm, biên soạn, dịch thuật công phu, có độ dày hơn 500 trang, điểm xuyết một số danh họa cổ.
NGUYỄN VĂN THỨC