Đô thị đặc biệt: Dân số chỉ từ 3 triệu người

Bộ Xây dựng vừa đề xuất 5 tiêu chí cơ bản đánh giá phân loại đô thị thay vì 6 tiêu chí như quy định hiện hành. Bộ cũng kiến nghị đô thị đặc biệt chỉ cần có quy mô dân số đạt từ 3 triệu người trở lên thay vì từ 5 triệu người như hiện nay
Đô thị đặc biệt: Dân số chỉ từ 3 triệu người

Bộ Xây dựng vừa đề xuất 5 tiêu chí cơ bản đánh giá phân loại đô thị thay vì 6 tiêu chí như quy định hiện hành. Bộ cũng kiến nghị đô thị đặc biệt chỉ cần có quy mô dân số đạt từ 3 triệu người trở lên thay vì từ 5 triệu người như hiện nay.

Đó là một trong những điểm mới tại nội dung dự thảo Nghị định phân loại đô thị mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến để hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành trong năm 2015.

Nghị định 42/2009/NĐ-CP (NĐ 42) của Chính phủ về phân loại đô thị hiện hành quy định 6 tiêu chuẩn cơ bản để phân loại đô thị, trong đó ngoài quy định về quy mô dân số toàn đô thị tối thiểu phải đạt 4.000 người trở lên, NĐ 42 còn quy định về mật độ dân số phải phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại đô thị... Dự thảo thay thế NĐ 42 đang hoàn thiện chỉ còn quy định 5 tiêu chí, và nêu rõ đó là: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; Quy mô dân số đô thị; Mật độ dân số đô thị; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng.

TPHCM hiện là đô thị đặc biệt của Việt Nam. Ảnh: Huy Anh.

Theo quy định hiện hành, đô thị đặc biệt có chức năng đô thị là thủ đô hoặc đô thị có chức năng là trung tâm kinh tế, tài chính, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, y tế, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Dự thảo chỉ quy định: Đô thị đặc biệt có chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, đầu mối giao thông trong nước và quốc tế; có trình độ kinh tế - xã hội phát triển, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Về quy mô dân số và mật độ dân số của đô thị đặc biệt cũng được đề xuất giảm so với hiện hành. Cụ thể, quy mô dân số thay vì từ 5 triệu người như hiện nay, Bộ Xây dựng đề xuất loại đô thị này chỉ cần có đạt từ 3 triệu người trở lên; mật độ dân số đô thị đạt từ 10.000 người/km² trở lên.

Đối với quy mô dân số đô thị loại I chỉ cần đạt từ 300.000 người trở lên thay vì 500.000 người (đô thị trực thuộc tỉnh) và 1 triệu người (trực thuộc Trung ương) như hiện nay. Mật độ dân số đô thị chỉ cần đạt từ 6.000 người/km² trở lên thay vì 10.000 người/km² trở lên (đô thị trực thuộc tỉnh) và 12.000 người/km² trở lên (trực thuộc Trung ương) như hiện nay.

Ngoài ra, đô thị loại II được quy định có mô dân số đô thị đạt từ 200.000 người trở lên, mật độ dân số đô thị đạt từ 5.000 người/km² trở lên. Đô thị loại III có quy mô dân số đô thị đạt từ 80.000 người trở lên, mật độ dân số đô thị đạt từ 4.000 người/km² trở lên. Đô thị loại IV có quy mô dân số đô thị đạt từ 40.000 người trở lên, mật độ dân số đô thị đạt từ 3.000 người/km² trở lên. Đô thị loại V có quy mô dân số đô thị đạt từ 4.000 người trở lên, mật độ dân số đô thị đạt từ 2.000 người/km² trở lên.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra cách phân loại đối với các đô thị có tính chất đặc thù. Cụ thể, đối với các đô thị loại III, IV và V thuộc các vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Tây nguyên và vùng hải đảo: ngoài việc đáp ứng các tiêu chí phân loại đô thị theo quy định, các tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số có thể thấp hơn, nhưng trình độ phát triển kinh tế - xã hội và quy mô dân số phải đảm bảo mức tối thiểu bằng 70%, mật độ dân số phải đảm bảo mức tối thiểu bằng 50% mức quy định. Đối với các đô thị có chức năng du lịch, khoa học - giáo dục: tiêu chí dân số đô thị, mật độ dân số có thể thấp hơn nhưng quy mô dân số phải đảm bảo mức tối thiểu bằng 70%, mật độ dân số phải đảm bảo mức tối thiểu bằng 50% mức quy định. Riêng trường hợp đặc biệt theo yêu cầu quản lý lãnh thổ, chủ quyền quốc gia hoặc quản lý phát triển kinh tế - xã hội, việc quyết định cấp quản lý hành chính đô thị của một khu vực có thể được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định trước khi khu vực đó được đầu tư xây dựng đạt được những tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị.

Hà Phương

Tin cùng chuyên mục