Độ tin cậy giữ bạn đọc

Từ sự ra đời báo chí hiện đại cho đến cuộc cách mạng công nghệ số báo chí, hay kể cả khi có bất kỳ cuộc đột phá nào diễn ra trong tương lai của ngành báo chí, hành trình vạn dặm của nghề báo vẫn phải bắt đầu từ sự chuyển động của người làm báo.
Qua rất nhiều khâu để Báo SGGP có thể đến tay bạn đọc vào sớm tinh mơ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Qua rất nhiều khâu để Báo SGGP có thể đến tay bạn đọc vào sớm tinh mơ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà báo ơi!

Sáng 31-5, trên Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) có bài viết Ruộng đồng bỗng nhiên nhiễm mặn, phản ánh hơn 1.000 hộ dân ở Thái Bình - nơi được mệnh danh là “vựa lúa” - đang “khóc ròng” vì hàng trăm ngàn hécta lúa chết. Trưa cùng ngày, trên báo điện tử tiếp tục tung ra video Người dân xót xa với những cánh đồng ma, ghi nhận thực trạng báo động, buộc địa phương, cơ quan có trách nhiệm phải lên tiếng, vào cuộc.

Ngay ngày hôm sau, dòng thông tin phản hồi từ chính quyền địa phương đã đến tay bạn đọc. Đó là cuộc “truy” thông tin ráo riết của nhóm phóng viên, chia làm nhiều nhánh tiếp cận vấn đề, để đi tìm câu trả lời. Khi câu trả lời chưa đủ làm thỏa mãn, chúng tôi nhận được hàng trăm bình luận của bạn đọc gửi đến báo, mong muốn Báo SGGP tiếp tục dấn sâu để đi đến tận cùng thông tin. Đó là: “Tôi nuôi tôm ở khu vực này, mùa nước cao nhất tháng 11-12 (độ mặn cao nhất 12%-15%) còn mùa này độ mặn 0%-5%. Lấy đâu ra mặn đến mức chết cả cây hoa màu, lúa?; chỉ mong huyện, tỉnh nhanh chóng có phương án giải quyết và hỗ trợ bà con, chứ cấy lúa mà không thu hoạch thì ăn gì, tiền phân, tiền giống… lấy gì trả?; cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây nên hậu quả này, phải tìm ra nguyên nhân rõ ràng, nhà báo ơi…”.

Mỗi dòng gửi gắm trăn trở, gợi ý hay “sửa lưng” của bạn đọc chính là mệnh lệnh thôi thúc người làm báo không được dừng lại, phải lao về phía thông tin. Từng ngày trôi qua, vụ việc nghi xả nước mặn làm chết hàng trăm hécta lúa vẫn được chúng tôi theo đuổi sát sao.

“Nhà báo ơi!”. Với nhiều người, đây là một trong những địa chỉ của niềm tin. Mỗi nhà báo đều xây dựng nguồn tin riêng cho mình và ngược lại, nhiều người đọc cũng chọn một vài nhà báo “ruột” mỗi khi cần kíp. Bởi vì họ tin, gọi nhà báo, sự việc sẽ được làm ra lẽ, hoặc ít nhất đó là kênh ghi nhận, lắng nghe, chuyển tiếp hiệu quả.

Phóng viên phụ trách mảng giáo dục của một tờ báo tại TPHCM kể: Mỗi lần thấy chuyện học đường hay ho, hay những vụ việc trái khoáy, họ nghĩ ngay đến mình, liền gọi “Nhà báo ơi, ở đây có chuyện này hay lắm nè. Nhà báo ơi, chỗ kia có giáo viên cần giúp đỡ...”.

Một nhà báo lão thành từng chia sẻ rằng: “Kỳ vọng của bạn đọc, sự hấp dẫn của thông tin là thứ ánh sáng lấp lánh nhất nghề báo, đầy hấp lực nhưng đôi lúc nó cũng là thứ khiến người làm báo cảm thấy bất lực nhất”. Trong hành trang làm báo, chúng ta không ít lần không thể chạm tới mong muốn cuối cùng của bạn đọc, chạm đến điểm tận cùng thông tin, và chúng ta tự trang bị lại kỹ năng, dũng khí, để “có thể” ở lần sau…

Nhận diện thách thức

Khi chúng tôi hỏi bạn đọc của mình mong muốn điều gì ở Báo SGGP trong tương lai, “Cần trẻ, đẹp và thân thiện hơn”, họ trả lời. Sự hóm hỉnh đã “gãi” đúng chỗ.

Thách thức của 1 tờ báo in lâu đời chuyên về chính trị, xã hội là môi trường báo chí nghiêng về báo giấy và thiên về chính trị, xã hội nhiều hơn là tri thức mới, tính giải trí mới mẻ. Vì thế, trong mắt công chúng, Báo SGGP “già”, “cứng”. Đó là “đặc sản” nhưng cũng là thách thức, đặc biệt là hạn chế trong việc tiếp cận công chúng trẻ.

Nhà báo Ngô Quang Trưởng, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP, nhận định: “Rào cản lớn chính là sức ỳ, mỗi người cần phải vượt qua sức ỳ. Chúng tôi phải đọc vị được ưu - khuyết điểm của chính mình, nhận diện thách thức để khắc phục và không ngừng cải tiến. Đây lại là một ưu điểm khác của người làm Báo SGGP”.

Cũng như tất thảy các tờ báo xuất thân từ báo in, Báo SGGP đối diện với những đợt khủng hoảng khi báo chí truyền thống va đập với xu hướng của truyền thông xã hội. Mọi sự đổi mới về công nghệ phải bắt nguồn từ nhận thức của người làm báo. Người làm báo phải nhìn nhận thực tế rằng, báo chí đã không còn giữ thế “độc quyền”. Truyền thông xã hội đã trao quyền lực cho công chúng: Tất cả đều làm truyền thông. Và đó cũng là điều kiện để sàng lọc người làm báo, yêu cầu họ không chỉ dừng ở các kỹ năng thu thập, tìm kiếm thông tin mà phải trang bị thêm cho mình nhiều kỹ năng khác.

Tìm cách để từng tờ báo len lỏi đến khu phố, phường, xã là bài toán mỗi ngày của nhiều cơ quan báo chí. Và “chìa khóa” để giữ gìn bạn đọc vẫn nằm ở hai chữ “tin cậy”. Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn khẳng định: “Báo SGGP vẫn giữ vững độ tin cậy cao. Trong môi trường truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, báo chí sẽ không còn là người đưa tin đầu tiên mà là người nối dài, đào sâu, mở rộng các tin tức đó; báo chí phải làm các công việc tiếp theo để độc giả hiểu sâu hơn về vấn đề”.

Người làm Báo SGGP hiện trên hành trình phát triển theo xu hướng hiện đại, luôn kiên trì giữ gìn phẩm giá của mình để giữ lấy sự tin cậy của bạn đọc.

"Tờ báo nào giữ được độ tin cậy cao, tờ báo đó giữ được độc giả. Một khi tờ báo giảm sút độ tin cậy, bạn đọc sẽ quay lưng dù tờ báo có chuyển đổi số, đa phương tiện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhanh và mạnh"

Nhà báo NGUYỄN KHẮC VĂN

Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục