Những ngày qua, tại địa bàn xã Tri Lễ (huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An) rộ lên tình trạng người dân đổ xô đi đào bới quặng trái phép. Nguyên nhân do người dân nghe tin “lộ” mỏ quặng thiếc và bán được quặng với giá cao nên đã kéo nhau đi đào, mặc cho chính quyền khuyến cáo, ngăn chặn. Vụ việc không chỉ gây thất thoát tài nguyên mà còn làm mất an ninh trật tự địa phương.
Người dân cõng, vác quặng ra khỏi khu vực khai thác trái phép
Khu vực người dân kéo nhau đi tìm quặng trên tuyến đường từ Kim Sơn lên Tri Lễ, cách cầu Sông Quang khoảng 200m. Khi chúng tôi đến đã thấy ngay đầu đường chính đi vào có treo một băng rôn có nội dung: “Khu vực cấm khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức. Không phận sự miễn vào”. Thế nhưng, phía bên trong, hoạt động đào bới quặng vẫn lén lút diễn ra. Từ sáng sớm, chúng tôi đã gặp hàng chục người đang gùi, cõng các bao tải quặng đi ra. Càng vào sâu càng thấy khu vực đồi rừng bị đào bới nham nhở, nhiều hố sâu 5 - 6m dựng đứng... Tại khu vực mỏ ở chân một quả đồi, chúng tôi bắt gặp một nhóm đang hì hục đào bới đất cho vào bao tải. Thấy người lạ, nhóm người này vội vác bao chạy ra phía bìa rừng. Trong khi đó, ở con đường mòn nhỏ hướng về phía bản Tà Pàn, một nhóm người khác đang vác bao tải đi như chạy, có cả người chạy xe máy vào trợ giúp. Chúng tôi gặp 2 công an xã Tri Lễ đang bảo vệ tại đây, được kể, hoạt động đào bới diễn ra rầm rộ nhất từ nửa đêm tới sáng. “Dù chúng tôi túc trực nhưng đẩy đuổi không xuể, người dân vẫn cứ vào đào”, một công an viên cho biết.
Khu vực người dân vào đào bới quặng trái phép là đất mỏ trước đây của Công ty TNHH Ngọc Sáng (trụ sở tại Thanh Hóa). Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả nên công ty này tạm dừng hoạt động và đến cuối năm 2015 thì mỏ hết hạn giấy phép khai thác. Sau khi công ty rút đi thì công trường khai thác quặng sắt này bị bỏ hoang. Sau trận lũ hồi tháng 9-2016 vừa qua, một số người dân phát hiện có quặng thiếc lẫn với đất đá lộ thiên tại một bãi thải trước đây của Công ty Ngọc Sáng. Thế là họ truyền tai nhau có quặng thiếc khối lượng lớn và bán được giá cao rồi đổ xô vào đào bới, mang đất về đãi quặng.
Theo ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, khi rộ lên tình trạng khai thác quặng trái phép, xã đã báo cáo lên huyện, đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ra khỏi khu vực mỏ. Xã đã chỉ đạo công an xã cử 4 người túc trực khu vực mỏ, nhưng xem ra tình hình vẫn rất phức tạp. Lúc cao điểm có đến hàng trăm người, chủ yếu từ 2 bản Na Lịt và Tà Pàn vào khai thác. Những ngày sau đó, do tin đồn lan rộng nên có cả người dân ở các huyện khác cũng kéo vào khai thác. Trong khi đó, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: “Huyện đã nắm được thông tin, từ khi lũ xuất hiện khiến thiếc lộ thiên, cộng thêm việc một số thương lái tung tin thu mua quặng giá cao nên người dân đổ xô đi đào. Chúng tôi đã chỉ đạo Phòng TN-MT cũng như công an huyện vào phối hợp với chính quyền xã kiểm tra, xử lý để sớm ổn định tình hình”
DUY CƯỜNG