Đóa hồng nơi cực Bắc

Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang ở địa đầu của Tổ quốc, cách Hà Nội gần 500km và đường đi lại khó khăn gian khổ hơn bất cứ nơi nào khác ở miền Bắc. Hơn thế nữa, thời tiết và thiên nhiên nơi đây vô cùng khắc nghiệt, cả cao nguyên chỉ là một màu đá xám. Vậy nhưng từ nhiều năm nay, nơi đây lại trở thành một vựa hoa hồng rất đẹp, do chính những người dân tộc thiểu số nơi biên cương dày công gây dựng.
Đóa hồng nơi cực Bắc

Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang ở địa đầu của Tổ quốc, cách Hà Nội gần 500km và đường đi lại khó khăn gian khổ hơn bất cứ nơi nào khác ở miền Bắc. Hơn thế nữa, thời tiết và thiên nhiên nơi đây vô cùng khắc nghiệt, cả cao nguyên chỉ là một màu đá xám. Vậy nhưng từ nhiều năm nay, nơi đây lại trở thành một vựa hoa hồng rất đẹp, do chính những người dân tộc thiểu số nơi biên cương dày công gây dựng.

Chị Lý Thị Sủi, chủ vựa hoa hồng lớn nhất ở xã Phó Bảng.

Chị Lý Thị Sủi, chủ vựa hoa hồng lớn nhất ở xã Phó Bảng.

Thung lũng hoa hồng

Từ Hà Nội, phải vượt chặng đường 300km mới lên được TP Hà Giang. Và từ đây, phải đi xe khách 5 - 6 tiếng đồng hồ, vượt qua những con đèo sừng sững gọi là “Cổng Trời”, hàng trăm dốc cua uốn lượn mới tới cao nguyên toàn đá xám, những mỏm nhọn hoắt như giáo mác canh trời, có tảng trông như “ếch ngồi”, “cóc ngồi”… Đó là cao nguyên đá Đồng Văn.

Đi ở bên đường trông vào, những ngôi nhà nằm nhỏ nhoi như tựa vào vách đá chênh vênh, bờ rào cũng làm bằng đá. Quanh nhà, đâu đâu cũng đá xám tai mèo. Vì đá nhiều nên thiếu đất. Có những nơi, bà con phải bới đá, đắp thêm đất vào mới có chỗ để trồng vạt cải, luống rau… Vậy nhưng cũng chính ở cao nguyên đá tai mèo này, vài năm gần đây, nông dân đã quen “sống trên đá, chết vùi dưới đá” không chịu thua trước thiên nhiên khắc nghiệt nữa. Họ đã cùng nhau tận dụng lợi thế thiên nhiên, thời tiết quanh năm lạnh giá để xây dựng những thung lũng hoa hồng rồi bán về dưới xuôi, và mọi người cùng giúp nhau làm giàu.

Từ ngã ba xã Sủng Là, hỏi thăm đường vào Phó Bảng, mọi người đều hỏi: “Vào thung lũng hoa hồng phải không?”. Đi 5km tới Phó Bảng, một thị trấn nhỏ nằm nép mình bên cửa khẩu Phó Bảng. Tạt vào quán tạp hóa ven đường, hỏi thăm ai trồng hoa hồng nhiều nhất ở đây, một cụ già chỉ về ngôi nhà to khang trang nhất nằm ven con đường trung tâm xã, bảo: “Nhà đó có vài hécta hoa, muốn mua bao nhiêu cũng có”. Đi vài trăm mét quả nhiên gặp cả một thung lũng hoa khá rộng nằm dưới chân núi. Chủ của vựa hoa là chị Lý Thị Sủi, gần 50 tuổi, đang cặm cụi cắt tỉa những khóm hồng ươm nụ. Chị Sủi mời tôi quay trở vào ngôi nhà 2 tầng sơn màu vàng cũng nằm ngay bên trục đường trung tâm đầu xã, rồi chị bảo: “Nhiều người gọi Phó Bảng là thung lũng hoa hồng vì ở đây chúng tôi đang trồng rất nhiều hoa hồng”. Chị kể, cách đây 12 năm, do người dân Phó Bảng nghèo khó quá nên trung tâm giống tỉnh Hà Giang đã về khảo sát, nghiên cứu và quyết định đưa giống hoa hồng về hướng dẫn bà con trồng vì ở đây nhiệt độ mùa hè thì mát, mùa đông hầu như rất thấp, có lúc chỉ 3°C, rất lý tưởng để trồng hoa hồng.

Vẻ đẹp như tranh của thung lũng Sủng Là - Đồng Văn, nơi đang nhân rộng cánh đồng hoa hồng. Ảnh: VĂN PHÚC

Vẻ đẹp như tranh của thung lũng Sủng Là - Đồng Văn, nơi đang nhân rộng cánh đồng hoa hồng. Ảnh: VĂN PHÚC

Chị Sủi bảo: “Với nhiệt độ và thời tiết như Phó Bảng nên hoa hồng có bông và cành to hơn hẳn so trồng dưới xuôi. Hoa chỉ trồng tự nhiên, không cần phải bón nhiều phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật”. Tuy nhiên, chị cũng bảo rằng, mặc dù đầu tư đã hơn thập kỷ nhưng cây hoa hồng chỉ thực sự bén rễ ở Phó Bảng khoảng 5 năm nay. Bởi điều kiện đất đai ở “thiên đường đá tai mèo” không được phì nhiêu như các vựa hoa ở Mê Linh, Tây Tựu (Hà Nội) hoặc bất cứ nơi nào khác… Bà con phải tận dụng những thung lũng ven suối, dưới chân đồi núi để trồng hoa hồng. Nhưng để bông hoa phù hợp thị trường, theo chị Sủi cũng không phải dễ.

Trước đây, hầu như bà con trong xã đều nhận trồng khoán cho trung tâm giống và khoảng 5 năm nay, chị Sủi cũng như nhiều hộ bà con dân tộc khác đã tách ra trồng độc lập. Chị đã tự mày mò trồng và cải tiến dần, tìm thêm kỹ thuật ghép, chiết rồi tự rút kinh nghiệm để cho ra nhiều loại hoa hồng đẹp hơn. Từ hoa hồng thường, chị đã lặn lội về tận vựa hoa Mê Linh (Hà Nội) nhập về giống hoa hồng đỏ Pháp, hoa hồng vàng… Đến nay, vựa hoa của gia đình chị gần như có đủ “bộ sưu tập”. Vì hoa quá đẹp, sắc thắm nên các thương lái dưới xuôi đã biết tiếng, tìm lên đặt hàng. Chị Sủi cho biết: “Mỗi ngày tôi đều cắt khoảng 1 vạn bông để giao cho khách nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Hoa của tôi chỉ giao về tới TP Hà Giang (cách 140km) là đã hết hàng rồi. Nhiều mối ở Hà Nội gọi lên đặt nhưng đành phải từ chối vì trồng không kịp”.

Do làm ăn thuận lợi, vợ chồng chị Sủi cùng với những người em đã bàn nhau thuê thêm 2ha đất của bà con ở nhiều vị trí trong xã để đầu tư toàn lực cho hoa hồng. Hai vợ chồng làm không kịp nên phải thuê thêm người về làm giúp những việc như dọn cỏ, cắt tỉa, bón phân, phun thuốc… Con rể chị bây giờ cũng mua được một chiếc xe khách 24 chỗ ngồi, chạy lộ trình Hà Giang - Đồng Văn để đón đưa khách du lịch lên tham quan vùng cao nguyên đá. Khi xuống, lại tiện thể chở hoa hồng về TP Hà Giang giao cho các mối.

Nhân rộng các vựa hoa

Điều thú vị nữa khi đặt chân lên thăm cao nguyên đá, đó là phong trào trồng hoa hồng ở Phó Bảng đã lan ra rất nhiều xã khác của huyện Đồng Văn. Trong đó, một địa chỉ đã quá quen thuộc với khách du lịch là thung lũng Sủng Là (nơi làm phim trường điện ảnh Chuyện của Pao), hiện bà con ở đây cũng đã bắt đầu tập trồng hoa hồng. Sủng Là, nơi sinh sống của những người Lô Lô, Pu Péo và Mông… đẹp như tranh vẽ vì phong cảnh hữu tình, nay còn đẹp hơn nhờ những vườn hồng.

Ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết chính quyền huyện cũng đã chủ trương nhân rộng mô hình trồng hoa hồng ở Đồng Văn, để đưa nơi đây trở thành không chỉ một điểm du lịch mà còn là vựa sản xuất hoa hồng quy mô lớn và khai thác hết lợi thế như các vựa hoa ở Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)… Hiện tại, diện tích hoa hồng ở Sủng Là và Phó Bảng đã trên 15ha. Theo kế hoạch, đến năm 2015, sẽ nhân ra khoảng 60ha cả huyện.

Còn theo Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, qua trồng khảo nghiệm các giống hoa hồng có nguồn gốc từ Pháp và các giống hồng được lấy từ Đà Lạt, Sa Pa, Phó Bảng… tỉnh Hà Giang đã quyết định nhân rộng giống hoa hồng trồng thêm ở 4 huyện vùng cao núi đá: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh. Đây đều là những huyện nằm sát biên giới Việt - Trung và xa, cao nhất của Hà Giang. Chỉ từ mô hình khảo sát đã cho hiệu quả rõ rệt. Giá trị thu nhập do trồng hoa hồng mang lại, chỉ sau 3 vụ trồng, mỗi héc-ta cho thu nhập từ 220 - 240 triệu đồng/năm. Trồng hoa hồng đã cho thu nhập gấp 6 - 12 lần trồng ngô (bắp). Có lẽ, đây là niềm mơ ước bao đời của đồng bào dân tộc thiểu số miền cực Bắc.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục